Festival Huế: Tạo sự lan tỏa văn hóa Việt
Festival Huế là lễ hội văn hóa nghệ thuật, du lịch có quy mô quốc gia và mang tính quốc tế đầu tiên ở Việt Nam. Lễ hội văn hóa đặc sắc của đất Cố đô không chỉ khiến du khách say lòng với mảnh đất này mà còn góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa Việt ra toàn thế giới.
Ảnh: huefestival.com |
Festival Huế tổ chức định kỳ 2 năm 1 lần vào các năm chẵn và năm nay là kỳ thứ 10 (2006-2018).
Festival Huế 2018 với chủ đề Festival Huế lần thứ 10 năm 2018 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển-Huế một điểm đến 5 di sản” diễn ra từ ngày 27/4-2/5.
Có thể thấy chủ đề Festival Huế năm nay đã gắn văn hóa với dòng chảy hội nhập và phát triển chung của đất nước. Du khách đến Huế dịp này sẽ được đắm mình trong không gian lễ hội của miền đất có 5 Di sản Văn hóa thế giới được UNESCO công nhận: Quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn và Thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế. Qua đó, sẽ khám phá thêm những nét đặc sắc của Huế và văn hóa Việt Nam.
Sắc màu mới tạo giá trị mới
Ở kỳ Festival 2018, ngoài những chương trình truyền thống đã khẳng định được thương hiệu, Ban Tổ chức đưa một số nội dung mới vào lễ hội, được coi là những sản phẩm văn hóa mới để du khách có thêm trải nghiệm thú vị sau mỗi lần đến Huế vào dịp này.
Hầu hết các chương trình đều được chọn lọc và dàn dựng mới, trong đó điểm nhấn là chương trình “Văn hiến kinh kỳ”.
“Văn hiến kinh kỳ” là chương trình tôn vinh giá trị của 5 di sản văn hóa thế giới với sự kết hợp giữa nhiều yếu tố: Hát múa, diễn xướng, hoạt cảnh, ngâm thơ, âm nhạc, hiệu ứng âm thanh, kỹ xảo màn hình led, hiệu ứng ánh sáng, khói màu, pháo hoa kỹ thuật.
Bằng lối kể ước lệ, chương trình lần lượt giới thiệu về quần thể kiến trúc cung đình Huế, Nhã nhạc, Thơ trên kiến trúc cung đình Huế, Mộc bản, Châu bản, giúp du khách vừa lĩnh hội câu chuyện lịch sử, vừa cảm nhận những giá trị văn hóa… làm nổi bật lịch sử đất nước Việt Nam trong thế kỷ XIX.
Một điểm mới khác là hoạt động lễ hội đường phố năm nay với chủ đề “Sắc màu văn hoá” có sự tham gia của các đoàn nghệ thuật trong nước và nước ngoài (không còn giới hạn trong các nước thuộc Diễn đàn hợp tác Đông Á- Mỹ La tinh như trước). Sau khai mạc một ngày, lễ hội sẽ diễn ra vào tất cả các buổi chiều cho đến trước ngày bế mạc, thay vì chỉ 1 ngày như trước đây.
Nhóm nhạc “Đường chân trời”. Ảnh: Báo Thừa Thiên-Huế |
Tại kỳ Fesstival này, lần đầu tiên xuất hiện chương trình “Đi tìm Hoàng cung đã mất”. Đây là một dự án phim sử dụng công nghệ 4D.
Các nhà làm phim thực hiện scan toàn bộ các công trình kiến trúc triều Nguyễn tại Đại Nội, kết hợp cứ liệu lịch sử, xây dựng thành những câu chuyện lịch sử, tạo không gian thực tế ảo có tính tương tác, đưa du khách vượt thời gian đến với Hoàng cung triều Nguyễn xưa cách đây hàng trăm năm
Một chương trình mới là khác mang tên “Đường chân trời” do nhóm nhạc Đường chân trời lần đầu tiên tham dự Festival.
Ý tưởng của nhóm nhạc Đường chân trời là “pop hoá” nhạc cụ dân tộc, sáng tác và chuyển soạn lại những giai điệu dân gian Việt Nam nhằm tạo sự mới mẻ nhưng gần gũi tới khán giả.
Tại chương trình các ca sĩ biểu diễn các bản nhạc với sự kết hợp giai điệu và hoà âm Đông – Tây, đàn tranh Việt Nam, piano, trống, contrabass.
Bên cạnh đó theo Ban Tổ chức, các chương trình xã hội hóa nhằm làm phong phú thêm hoạt động của Festival cũng được tạo điều kiện tối đa. Theo đó, một số hoạt động nổi bật có thể kể đến là chương trình “Âm nhạc Trịnh Công Sơn” với chủ đề “Nguồn cội” do nhiều nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng trong nước biểu diễn; chương trình nghệ thuật “Âm vọng sông Hương” với sân khấu chìm và không gian diễn xướng trải rộng trên cả khúc sông khu vực bãi bồi cầu Gia Hội…
Phong phú các hoạt động hưởng ứng
Ngoài thành phố Huế là trung tâm của Festival thì các huyện, thị trong tỉnh cũng sẽ tổ chức các hoạt động hưởng ứng.
Đó là lễ hội “Hương xưa làng cổ” tại làng cổ Phước Tích; lễ hội “Chợ quê ngày hội” tại cầu ngói Thanh Toàn; lễ hội “Sóng nước Tam Giang” tại huyện Quảng Điền; lễ hội “Thuận An Biển gọi” tại bãi tắm Thuận An và các khu vực phụ cận.
Bên cạnh đó, các hoạt động triển lãm, trưng bày cũng rất phong phú như các triển lãm: “Truyện tranh Pháp ngày nay” của vùng Nouvelle Aquitaine, Pháp; “Huế – một điểm đến 5 di sản”; “Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế qua nghệ thuật Trúc Chỉ (nghệ thuật chế tác giấy thủ công trong giai đoạn cuối cùng khi seo giấy, cho phép các nghệ sĩ tạo tác các tác phẩm trực tiếp lên khuôn giấy); “Thái y viện triều Nguyễn qua di sản, tư liệu thế giới tại Việt Nam”; “Hương sắc gốm Bát Tràng”…
Lễ hội đường phố tại Festival Huế. |
Năm nay, chương trình “Chợ quê ngày hội” (được tổ chức trong không gian văn hóa làng quê của xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa độc đáo như cầu ngói Thanh Toàn, phủ thờ Tôn Thất Thuyết, hội bài chòi…) nay được mở rộng với không gian trưng bày cây cảnh, các phiên chợ đêm, lễ hội áo dài… Đặc biệt, cầu ngói Thanh Toàn sẽ trở thành nền sau (background) cho sân khấu chính suốt kỳ lễ hội.
Theo Ban Tổ chức, đến nay, Festival Huế 2018 đã sẵn sàng đón du khách và hứa hẹn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch Thừa Thiên – Huế có vị trí đậm nét trên bản đồ du lịch Việt Nam, đồng thời quảng bá giá trị chung của văn hóa Việt Nam trên thế giới.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()