Festival Đờn ca tài tử: 'Điểm hẹn' Thành phố mới
Đây là sự kiện do UBND tỉnh Bình Dương phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của 21 tỉnh, thành phố khu vực Đông-Tây Nam bộ tổ chức, nhằm tôn vinh, quảng bá loại hình nghệ thuật độc đáo Đờn ca tài tử, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Theo Ban Tổ chức, Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần II có chủ đề: “Đờn ca tài tử Nam bộ – Bảo tồn và phát triển”, với nhiều chương trình, hoạt động hấp dẫn như tổ chức không gian Đờn ca tài tử và không gian ẩm thực Nam bộ, hội thi nghệ thuật Đờn ca tài tử, cuộc thi sáng tác ảnh nghệ thuật khoảnh khắc, giao lưu nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực Đờn ca tài tử…
Bên cạnh đó, Ban Tổ chức còn thực hiện một số hoạt động như: Triển khai nghiên cứu Đề tài khoa học cấp tỉnh: “Bảo tồn và phát huy bền vững nghệ thuật Đờn ca tài tử ở Bình Dương; xây dựng và tổ chức các tour, tuyến du lịch phục vụ du khách nhân dịp Festival; tổ chức diễu hành xe mô tô phân khối lớn và xe cổ.
Phát biểu tại buổi họp báo sáng 27/3, ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, so với các loại hình nghệ thuật của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thì Đờn ca tài tử có nét đặc thù riêng là được phát triển rộng khắp ở 21 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Việc tổ chức Festival Đờn ca tài tử sẽ tiếp tục là sân chơi để các nghệ nhân Đờn ca tài tử phát triển loại hình nghệ thuật này. Qua đó, các tầng lớp nhân dân cùng chung tay bảo vệ, giữ gìn những giá trị tinh hoa của dân tộc.
“Đây còn là cơ hội để các tỉnh, thành phố khu vực Đông, Tây Nam bộ và tỉnh Bình Dương cùng kết nối, tăng cường giao lưu văn hóa, hợp tác, liên kết vùng trong việc xúc tiến thương mại du lịch, đầu tư, phát triển các tiềm năng và lợi thế”, ông Huỳnh Vĩnh Ái nhấn mạnh.
Bà Trịnh Thị Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, đến nay công tác chuẩn bị cho việc tổ chức liên hoan đã cơ bản hoàn tất, bảo đảm công tác tổ chức đạt được kết quả cao nhất.
Festival Đờn ca tài tử toàn quốc lần thứ II năm 2017 sẽ có sự tham dự của đoàn nghệ nhân 21 tỉnh, thành phố như: An Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Phước, Bình Thuận, Cà Mau, TP.Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hậu Giang, TPHCM, Kiên Giang, Long An.
Năm nay bên cạnh các nghệ nhân cao tuổi còn có sự tham gia biểu diễn của cả các nghệ nhân trẻ tuổi. Qua đó, thể hiện sự kế tục, sự trao truyền giữa những người đã có kinh nghiệm, có bề dày trong hoạt động đờn ca tài tử ở địa phương cho thế hệ trẻ. Đặc biệt, hoạt động này sẽ có hiệu ứng rất tốt cho việc tuyên truyền quảng bá cũng như lan tỏa giá trị của di sản đờn ca tài tử trong cộng đồng.
Trước đó, năm 2014, Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ I được tổ chức tại tỉnh Bạc Liêu, quy tụ các Câu lạc bộ Đờn ca tài tử, các nghệ sĩ, nghệ nhân, tài tử đờn, tài tử ca từ 21 tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia. Nhiều hoạt động phong phú đã diễn ra, thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước như: Lễ đón nhận bằng vinh danh của UNESCO công nhận nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; liên hoan Đờn ca tài tử toàn quốc; hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể Đờn ca tài tử Nam bộ”…
Ý kiến ()