Fed tiếp tục giữ nguyên lãi suất: Làm "xanh" thị trường
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hôm 31/7 giữ nguyên lãi suất tham chiếu lần thứ 8 liên tiếp, nhưng dự báo có thể điều chỉnh vào tháng 9.
Trong tuyên bố đưa ra sau cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày, Fed quyết định giữ nguyên lãi suất chuẩn trong phạm vi 5,25%-5,50%, đồng thời lưu ý tình hình lạm phát tiếp tục có một số tiến triển hướng tới mục tiêu 2% của cơ quan này.
Sự sụt giảm đều đặn của lạm phát trong những tháng gần đây đã thúc đẩy sự đồng thuận rộng rãi trong các nhà hoạch định chính sách của Fed rằng cuộc chiến lạm phát đã gần kết thúc. Fed đánh giá lạm phát hiện chỉ "tăng nhẹ", mức đánh giá giảm mạnh so với đánh giá lạm phát "tăng cao" mà cơ quan này thường xuyên sử dụng trong suốt thời gian qua.
Ngoài ra, ngân hàng trung ương Mỹ cũng đánh giá nền kinh tế vẫn tiếp tục tăng trưởng với tốc độ vững chắc, trong khi tăng trưởng việc làm đã chậm lại và tỉ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp. Fed cũng chuyển từ việc chỉ tập trung chú ý đến "rủi ro lạm phát" sang chú ý "rủi ro đối với nhiệm vụ kép của mình", trong đó duy trì việc làm phù hợp với giá cả ổn định.
Trong tuyên bố, Fed không cam kết cắt giảm lãi suất vào tháng 9 và nhắc lại rằng các nhà hoạch định chính sách vẫn cần "niềm tin lớn hơn rằng lạm phát đang tiến triển bền vững tới mục tiêu 2%" trước khi hạ chi phí đi vay. Tuy nhiên, những thay đổi trong tuyên bố chính sách mới nhất của Fed có vẻ phù hợp với niềm tin đó và đang củng cố kỳ vọng của các nhà đầu tư rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong cuộc họp chính sách tiếp theo vào tháng 9 tới.
Chứng khoán toàn cầu tăng điểm sau động thái của Fed
Ngày 31/7, chỉ số chứng khoán toàn cầu MSCI ghi nhận mức tăng hằng ngày lớn nhất trong hơn 5 tháng qua sau quyết định của Fed.
Chỉ số chứng khoán toàn cầu MSCI tăng 13,12 điểm, tương đương mức tăng 1,64%, lên 814,55, ghi nhận mức tăng điểm phần trăm trong một ngày lớn nhất kể từ ngày 22/2.
Tại thị trường Phố Wall, chỉ số Nasdaq Composite dẫn đầu các chỉ số chính, tăng 2,6%, lên 17.599,40. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 99,46 điểm, tương đương 0,24%, lên 40.842,79. Chỉ số S&P 500 tăng 85,86 điểm, tương đương 1,58%, lên 5.522,30. Đây là mức tăng trong một ngày lớn nhất đối với cả S&P và Nasdaq kể từ ngày 22/2.
Chỉ số STOXX 600 của châu Âu đóng cửa tăng 0,8%. Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 đóng cửa tăng hơn 1%.
Trên thị trường tiền tệ, đồng USD giảm giá sau thông báo của Fed. Chỉ số USD, đo lường đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ bao gồm đồng yen và đồng euro, giảm 0,37% xuống 104,06. Đồng euro tăng giá 0,09% lên 1,0825 USD. So với đồng yen Nhật, USD giảm tới 1,75% xuống còn 150,08 sau khi Ngân hàng Nhật Bản (BoJ) tăng lãi suất.
Trong khi đó, giá dầu ngày 31/7 đã phục hồi từ mức thấp nhất trong 7 tuần, trong bối cảnh thủ lĩnh phong trào Hồi giáo Hamas bị ám sát ở Iran khiến tình hình Trung Đông gia tăng căng thẳng, trong khi lượng dự trữ dầu thô của Mỹ giảm mạnh. Giá dầu thô Mỹ tăng 4,26% lên 77,91 USD/ thùng, trong khi giá dầu Brent tăng lên 80,72 USD/thùng, tăng 2,66% trong ngày.
Giá vàng cũng tăng hơn 1% trong ngày. Giá vàng giao ngay tăng 1,63% lên 2.447,69 USD/ounce./.
Ý kiến ()