Fed tăng lãi suất: Có ảnh hưởng đến nền kinh tế nhưng không lớn
Các chuyên gia nhận định nhờ các biện pháp điều hành linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước, đồng VND vẫn tương đối ổn định, bám sát mục tiêu không mất giá quá 3% trong năm nay.
Sáng 22/9 (theo giờ Hà Nội), Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã công bố thêm một đợt tăng lãi suất mạnh nhằm hạ nhiệt lạm phát, hiện ở mức cao nhất trong 4 thập kỷ qua.
Cụ thể, lãi suất cho vay cơ bản của Fed được điều chỉnh tăng thêm 0,75 điểm %, dao động trong biên độ từ 3,0%-3,25%.
Đây là lần tăng lãi suất thứ 5 liên tiếp của Mỹ trong năm nay đồng thời cũng là lần thứ 3 liên tiếp Fed tăng lãi suất với mức 0,75 điểm %, biện pháp đã không được dùng đến trong nhiều thập kỷ.
Trước động thái này từ Fed, nhiều ý kiến từ chuyên gia và doanh nghiệp trong nước cho rằng mức ảnh hưởng là có nhưng không lớn.
Kiên định mục tiêu ổn định tỷ giá
Theo các chuyên gia, việc đồng USD tăng giá khoảng 2,9% so với đồng tiền Việt Nam sẽ có lợi cho xuất khẩu. Trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam đối với Mỹ, chủ yếu là hàng da giày, dệt may, linh kiện điện tử, thuỷ sản, đây là những mặt hàng tiêu dùng nên lợi thế là có, trong khi tác động tiêu cực không nhiều.
Công ty cổ phần Tiross Việt Nam nhập khẩu 3,5 triệu USD đồ gia dụng mỗi năm. Theo đại diện doanh nghiệp, dù giá USD ở thị trường quốc tế tăng khá mạnh, nhưng tỷ giá USD/VND ở Việt Nam tương đối ổn định nên không ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch nhập khẩu của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Đăng Hoan, Chủ tịch Công ty cổ phần Tiross Việt Nam cho biết: “VND ổn định đã giúp doanh nghiệp kinh doanh được chắc chắn hơn vì khi tỷ giá biến động sẽ khiến doanh nghiệp phải trả nhiều tiền hơn để nhập hàng về, dẫn đến chi phí giá thành sản phẩm tăng cao, làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp.”
Trong khi đó, Tổng công ty Tiên Sơn-Thanh Hóa hiện là đơn vị đang có đối tác chiến lược may gia công tại Việt Nam của các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới như Nike, Converse, Hurley, Jordan… mỗi năm xuất khẩu hàng chục triệu sản phẩm sang châu Mỹ, châu Âu.
Ông Trịnh Xuân Lâm-Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Tiên Sơn cho biết: “Rất may, sản phẩm của chúng tôi chủ yếu xuất khẩu sang châu Mỹ nên thanh toán bằng USD là chính, việc đồng USD lên giá sẽ có lợi cho công ty.”
Theo đại diện Hiệp hội Da giày-Túi sách Việt Nam (Lefaso), ngành da giày có sự tăng trưởng tốt từ đầu năm đến nay, cả ở thị trường châu Âu, Mỹ… nhưng lạm phát và việc Fed liên tục tăng lãi suất thời gian qua có thể ảnh hưởng đến sức mua tại 2 thị trường chủ lực này trong thời điểm cuối năm. Chỉ tiêu về xuất khẩu sẽ không như kỳ vọng song ngành da giày vẫn sẽ có được sự tăng trưởng tốt trong năm nay.
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Tuấn, chuyên viên phân tích của Công ty Đầu tư Quốc tế Hữu Nghị, viêc Fed tăng lãi suất cũng sẽ có nhiều nhóm ngành hàng hóa của Viêt Nam bị ảnh hưởng, đặc biệt là những nhóm ngành có nguyên vật liệu phải nhập khẩu.
Ông Tuấn phân tích, thị trường hàng hóa thường có độ nhạy lớn với lãi suất vì liên quan đến chi phí vốn, chi phí hàng tồn kho và chi phí quản trị rủi ro. Một số nhóm ngành hàng Việt Nam đang nhập khẩu nguyên liệu đầu vào lớn như thức ăn chăn nuôi, năng lượng nên khi tỷ giá biến động có thể ảnh hưởng đến giá vốn nhập vào. Từ đó có thể tác động tiêu cực lên kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong những nhóm ngành trên.
Tuy nhiên giới chuyên gia nhận định, nhờ các biện pháp điều hành linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước, đồng VND vẫn tương đối ổn định, bám sát mục tiêu không mất giá quá 3% trong năm nay.
Ông Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá chính sách điều hành tiền tệ trong thời gian qua của Ngân hàng Nhà nước rất chặt chẽ. Cần tiếp tục duy trì chính sách như hiện nay để lạm phát giữ được ở mức thấp. Bên cạnh đó cần phải kiên định giữ được tỷ giá, nhưng kiên định không có nghĩa là cứng nhắc mà phải linh hoạt để nó phù hợp với thị trường.
Đồng quan điểm, ông Cấn Văn Lực – thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng nhận định: “Tôi nghĩ rằng Ngân hàng Nhà nước tiếp tục kiên định thực hiện chính sách như vừa qua đã làm. Thủ tướng và Chính phủ cũng đã chỉ đạo là linh hoạt và chủ động. Ngoài ra phối hợp tốt giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để đảm bảo vừa kiểm soát tốt câu chuyện về tỷ giá, cũng như kiểm soát tốt câu chuyện về lạm phát.”
Mặt bằng lãi suất trong nước sẽ ra sao?
Dù theo đánh giá của các chuyên gia quyết định của Fed sẽ ít ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước đã có sự chuẩn bị từ trước cho viễn cảnh Fed tăng lãi suất. Ví dụ như thời gian gần đây mức lãi suất trong nước đã “rục rịch” tăng lên. Lãi suất qua đêm luôn ở mức 4%-5%, tạo sự chênh lệch lớn với lãi suất USD ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định áp lực tăng lãi suất là rất lớn.
Tiến sỹ Trương Văn Phước – nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Việt Nam nhận định việc Fed tăng lãi suất 0,75 điểm % và cuối năm nay sẽ đạt mức 4%-4,25%, nếu Ngân hàng Nhà nước vẫn để trần lãi suất huy động 6 tháng ở mức 4% là không ổn. Ông đưa ra khuyến nghị nên tăng lãi suất.
Ông Phước phân tích thông thường khi lãi suất tăng lên, thì cầu giảm, đó là điều mong muốn để hạ bớt cầu về tín dụng ở các quốc gia đang có lạm phát cao. Bên cạnh đó, tăng lãi suất sẽ làm dịu bớt thị trường lao động nóng. Ngoài ra, tăng lãi suất làm cho đồng nội tệ tăng lên, tỷ giá sẽ giảm xuống.
“Ngày trước khi lạm phát thấp, chính sách tiền tệ của Việt Nam là phải hạ lãi suất nhưng không hạ được. Bây giờ lạm phát tăng cao thì không thể hạ lãi suất được. Nếu tăng lãi suất, sau khi trừ lạm phát kỳ vọng sẽ tạo ra lãi suất thực dương cao,” ông Phước nhận định.
Theo tiến sỹ Vũ Đình Ánh, áp lực tăng lãi suất của Việt Nam hiện nay rất lớn khi chịu tác động của cả việc Fed tăng lãi suất và đặc biệt là nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp tăng rất cao.
“Hiện nay Việt Nam vẫn chủ trương giữ ổn định cả lãi suất lẫn tỷ giá hối đoái. Thế nên áp lực đó buộc Việt Nam bước vào một giai đoạn khó khăn, là lựa chọn là giữ ổn định lãi suất hay giữ ổn định tỷ giá hối đoái. Điều này sẽ lập tức tác động đến tăng trưởng kinh tế cũng như vấn đề lạm phát của Việt Nam,” ông Ánh phân tích.
Cũng theo ông Ánh, thời điểm hiện tại việc mất cân đối giữa huy động-cho vay đã lên tới 7%, điều này cũng sẽ gây sức ép không nhỏ lên đà tăng lãi suất.
Dự báo về lãi suất những tháng cuối năm, các chuyên gia cho rằng lãi suất vẫn đang có xu hướng tăng. Cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay đều sẽ tăng nhẹ. Lãi suất cho vay về cơ bản sẽ tăng chậm hơn lãi suất huy động và có thể mức tăng không đáng kể vì chỉ đạo chung của Quốc hội, của Chính phủ là phải ổn định mặt bằng lãi suất cho vay để hỗ trợ phục hồi cho doanh nghiệp./.
Ý kiến ()