FATS - Cầu nối quan trọng giữa nền kinh tế Việt Nam và thế giới
Tập trung chủ yếu ở các vùng kinh tế lớn
Theo WTO, phương thức nhà đầu tư nước ngoài có trên 50% vốn góp tại các chi nhánh, công ty con ở các nước sở tại có quyền nắm giữ, chi phối hoạt động của các chi nhánh, công ty con đó với mục tiêu nhằm tiếp cận thị trường của nước sở tại ngày càng phát triển và đóng vai trò quan trọng trong thương mại quốc tế. Kết quả hoạt động của các doanh nghiệp có trên 50% vốn góp của các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (viết tắt là doanh nghiệp FATS) được các tổ chức và nhiều nước quan tâm. Thông tin về doanh nghiệp FATS phản ánh toàn diện kết quả hoạt động của các công ty đa quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu. |
Theo Tổng cục Thống kê, kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2017 của Tổng cục Thống kê, tại thời điểm 31/12/2016 có 14.002 doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam, thu hút 4,15 triệu lao động, trong đó có 12.972 doanh nghiệp FATS, thu hút 4,05 triệu lao động.
Các doanh nghiệp FATS hầu hết tập trung ở các vùng kinh tế lớn, có cơ sở hạ tầng phát triển như vùng Đồng bằng sông Hồng (Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng); vùng Đông Nam Bộ (TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An). Số doanh nghiệp FATS ở 7 tỉnh, thành phố này chiếm 78,6% tổng số doanh nghiệp FATS trên toàn quốc trong năm 2016.
Trong năm 2016, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số doanh nghiệp FATS lớn so với cả nước gồm: thành phố Hồ Chí Minh, địa phương đứng đầu cả nước về số doanh nghiệp FATS với 3752 doanh nghiệp, chiếm 28,9%; Hà Nội có 2165 doanh nghiệp, chiếm 16,7%; Bình Dương có 1857 doanh nghiệp, chiếm 14,3%; Đồng Nai có 974 doanh nghiệp, chiếm 7,5%; Bắc Ninh xếp thứ 5 với 643 doanh nghiệp chiếm 5%, giai đoạn 2012-2016, Bắc Ninh là địa phương có tốc độ tăng về số lượng doanh nghiệp FATS cao nhất với 46,7%/năm…
Chủ yếu hoạt động trong ngành chế biến, chế tạo
Trong số các doanh nghiệp FATS, số lượng doanh nghiệp FATS hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2012-2016 chiếm tỷ trọng bình quân 58,4%, số lượng doanh nghiệp này vẫn duy trì tăng trưởng hàng năm với tốc độ tăng bình quân năm 10,8%.
Năm 2016 chỉ tính trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo số lượng doanh nghiệp FATS nhiều nhất thuộc ngành dệt, may 17,8%; kim loại đúc sẵn 11,2%; sản phẩm từ cao su và nhựa 10,5%; các sản phẩm điện tử chiếm 9,6%; da giày 6,2%; thực phẩm 5,4%; hóa chất 5,4%, các ngành còn lại 33,9%…
Lao động của doanh nghiệp FATS có độ tuổi tương đối trẻ nhưng trình độ học vấn không cao, hầu hết là lao động phổ thông. Lao động có trình độ đại học và trên đại học hiện làm việc tại doanh nghiệp FATS chiếm 9,6%; cao đẳng, trung cấp chiếm 18,1%; trình độ còn lại như sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng hoặc chưa qua đào tạo chiếm tới 72,3%.
Lao động bình quân 1 doanh nghiệp FATS thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo luôn cao nhất. Trong năm 2016, số lao động bình quân trong một doanh nghiệp FATS của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là 516 người/DN, trong đó riêng ngành dệt may, da giày lên tới 1.101 người/DN. Ngành nghệ thuật, vui chơi, giải trí đứng ở vị trí thứ 2 với 298 người/DN – chủ yếu là dịch vụ sân gôn; hoạt động tài chính ngân hàng và bảo hiểm là 253 người/DN; ngành dịch vụ lưu trú ăn uống là 155 người/DN.
Lao động nữ trong các doanh nghiệp FATS chiếm tỷ lệ khá cao. Năm 2016 lao động nữ chiếm 67,6% trong tổng số lao động của doanh nghiệp FATS… Bên cạnh giải quyết việc làm cho nền kinh tế, doanh nghiệp FATS còn giải quyết vấn đề bình đẳng giới về lao động, giúp lao động nữ có nhiều cơ hội tham gia thị trường lao động tại Việt Nam.
Ổn định và bền vững hơn so với các doanh nghiệp khác
Doanh nghiệp FATS hầu hết đến từ các tập đoàn, công ty đa quốc gia với tiềm lực kinh tế mạnh và bền vững,trình độ quản lý và khả năng kết nối chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm tốt nên kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh khá ổn định. Vốn và tài sản cố định của các doanh nghiệp FATS hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn và tăng dần qua các năm.
Tổng cục thống kê cũng cho biết, trong giai đoạn 2012-2016, các chỉ tiêu cơ bản của doanh nghiệp FATS đều tăng (số doanh nghiệp bình quân năm tăng 14%, lao động tăng 13,5%/năm, doanh thu tăng 25,3%/năm, xuất khẩu tăng 23,1%/năm, nhập khẩu tăng 21,1%/năm) phản ánh sự phát triển khá bền vững và ổn định của các doanh nghiệp FATS… Doanh nghiệp FATS và FDI đầu tư đem lại hiệu quả cao hơn so với các loại hình doanh nghiệp khác…
Tuy nhiên, mặc dù lợi nhuận chiếm tỷ lệ cao nhưng nộp ngân sách của khu vực doanh nghiệp FATS chiếm tỷ trọng thấp nhất so với các khối doanh nghiệp nhà nước và ngoài nhà nước bởi những ưu đãi mà các doanh nghiệp FATS nhận được khi cam kết đầu tư, cũng như hoạt động chuyển giá về bản quyền, thương hiệu về công ty mẹ ở nước ngoài để giảm thuế phải nộp ở mức thấp nhất có thể.
Điểm nổi bật giữa lao động và doanh thu giai đoạn 2012-2016 của doanh nghiệp FATS là lao động năm trước giảm so với năm sau nhưng doanh thu lại tăng. Điều này minh chứng thực tế các doanh nghiệp FATS hoạt động sản xuất kinh doanh rất hiệu quả, là khối doanh nghiệp đi tiên phong trong áp dụng công nghệ và máy móc cho mục đích tự động hóa trong dây chuyền sản xuất nhằm giảm lao động phổ thông, đây cũng là thách thức cho lao động Việt Nam ngày càng phải có trình độ lao động, tay nghề cao, được đào tạo nếu không rất khó cạnh tranh và tham gia vào chuỗi sản xuất của ngành công nghiệp nói chung và tuyển dụng vào doanh nghiệp FATS nói riêng.
Chiếm tỷ trọng ngày càng cao
Chỉ tính riêng trong năm 2016, xuất khẩu của toàn bộ nền kinh tế đạt 176,6 tỷ USD, nhập khẩu 175 tỷ USD, trong đó các doanh nghiệp FATS xuất khẩu lên tới 124,5 tỷ USD chiếm 70,5%, nhập khẩu 102,8 tỷ chiếm 58,7% góp phần làm tăng mức xuất siêu 21,7 tỷ cho khu vực doanh nghiệp FATS và xuất siêu 1,6 tỷ USD cho cả nước.
Doanh thu của doanh nghiệp FATS chủ yếu đến từ hoạt động xuất khẩu hàng hóa, tỷ lệ xuất khẩu so với doanh thu bình quân năm giai đoạn 2012-2016 đạt gần 60%, chỉ tính riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo doanh thu đến từ hoạt động xuất khẩu chiếm hơn 70%.
Doanh nghiệp FATS sản xuất hàng hóa tại Việt Nam có thị trường tiêu thụ ở nước ngoài là chủ yếu, các doanh nghiệp FATS nhận hàng hóa gia công, làm theo đơn đặt hàng từ các công ty mẹ tại nước ngoài, các công ty đa quốc gia này có kênh phân phối liên kết chuỗi sản xuất chuyên nghiệp và hiệu quả, luôn đảm bảo đầu ra cho hàng hóa sản xuất ở các kênh phân phối ở phạm vi toàn cầu…
Các nhà đầu tư chủ yếu đến từ châu Á
Đến thời điểm 31/12/2016, số doanh nghiệp FATS do các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài góp vốn nhiều nhất lần lượt là Hàn Quốc (3.447 doanh nghiệp), Nhật Bản (2.340 doanh nghiệp), Đài Loan (1.921 doanh nghiệp), khối ASEAN (1.475 doanh nghiệp) và các nước khối EU (1.119 doanh nghiệp).
Số lao động của doanh nghiệp FATS thu hút nhiều nhất là doanh nghiệp Hàn Quốc, tiếp đến là Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore và các nước khối EU.
Nguồn vốn của doanh nghiệp lớn nhất thuộc về các doanh nghiệp thuộc khối ASEAN, tiếp theo làcác doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và khối EU.
Đáng chú ý, số doanh nghiệp FATS do các nhà đầu tư trong khối ASEAN chỉ chiếm 11,2% nhưng nguồn vốn chiếm tới 20,3%, doanh thu chiếm 30,8% tổng doanh thu của các doanh nghiệp FATS.
Mặc dù số doanh nghiệp FATS của Singapore chỉ xếp thứ 5, nhưng xuất khẩu của doanh nghiệp FATS của quốc đảo sư tư tăng nhanh và cao nhất, do những năm gần đây đất nước này đẩy mạnh tỷ lệ góp vốn và mua lại nhiều các công ty FATS tại Việt Nam, đặc biệt việc mua lại công ty sản xuất điện tử lớn nhất Việt Nam đã làm tăng giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp FATS thuộc nước này. Xuất khẩu hàng hóa lớn cũng giúp cho doanh thu của doanh nghiệp FATS Singapore cao nhất cả nước.
Doanh nghiệp FATS của Hoa Kỳ, Nhật Bản và Singapore chủ yếu hoạt động trong ngành dịch vụ, doanh nghiệp FATS Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc chủ yếu hoạt động trong ngành công nghiệp.
Cầu nối quan trọng
Tóm lại, giai đoạn hiện tại và các năm tới, các doanh nghiệp FATS vẫn đóng vai trò quan trọng là cầu nối giữa nền kinh tế Việt Nam và thế giới. Với nguồn lực khá bền vững và ổn định từ các công ty đa quốc gia, các doanh nghiệp FATS luôn duy trì và phát triển ổn định, giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế – xã hội cho các địa phương và toàn bộ nền kinh tế.
Kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp FATS đóng góp vào tăng trưởng xuất khẩu, cải thiện cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam và tăng trưởng GDP của toàn nền kinh tế.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam chưa tham gia nhiều vào các ngành công nghiệp phụ trợ do trình độ sản xuất thấp, thiếu cạnh tranh và đặc biệt là chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu để tham gia vào chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu nói chung và cung cấp cho doanh nghiệp công nghiệp FATS nói riêng, đây cũng là cơ hội và thách thức không nhỏ cần phải cải thiện trong những năm tới./.
Ý kiến ()