FAO: Sử dụng hợp lý nước thải giúp ứng phó với thách thức khan hiếm nước trong nông nghiệp
Trong bối cảnh nhu cầu về lương thực ngày càng gia tăng và tình trạng khan hiếm nước diễn ra thường xuyên hơn, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) thông báo nhấn mạnh đã đến lúc phải chấm dứt việc xem nước đã qua sử dụng như chất thải mà thay vào đó cần xem đây là một nguồn lực có thể sử dụng cho nông nghiệp.
Sử dụng nước thải trong sản xuất nông nghiệp được đặt vào trung tâm các cuộc thảo luận tại hội nghị do FAO tổ chức ngày 19/1 bên lề Diễn đàn thế giới về lương thực và nông nghiệp ở Berlin (Đức) với chủ đề bàn về nông nghiệp và nước.
“Mặc dù thiếu các dữ liệu thực tế cụ thể song chúng tôi vẫn có thể nói rằng, nhìn chung, chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ nước đã qua sử dụng được xử lý và sử dụng vào các mục đích nông nghiệp. Đó chủ yếu là nước thải của đô thị” – ông Marlos de Souza, quan chức cấp cao của Văn phòng đất và nước của FAO, tuyên bố nêu rõ. “Tuy nhiên, ngày càng nhiều quốc gia phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước gia tăng, ví dụ như Hy Lạp, Jordan, Mexico, Tây Ban Nha và Mỹ, đã khám phá ra nhiều lựa chọn”.
Từ lâu, nước thải đô thị luôn được xem là một vấn đề gây quan ngại. Tuy nhiên, đây hiện được xem là một phần của giải pháp thay thế nhằm đấu tranh chống lại tình trạng khan hiếm nước. “Cho tới nay, tái sử dụng nước thải để tưới tiêu đã chứng minh được hiệu quả khi thực hiện cách không xa các thành phố, nơi những nguồn nước thải này phổ biến rộng rãi và miễn phí hay thậm chí có giá thấp, và nơi tồn tại một thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp, trong đó có cả các cây trồng phi lương thực” – ông de Souza lưu ý. “Thực tế này từ lâu đã được các nông dân nhỏ vận dụng và cũng có thể được áp dụng trong các khu vực nông thôn”.
Xử lý và sử dụng đúng
Nếu được xử lý đúng, nước thải có thể được sử dụng an toàn trong sản xuất nông nghiệp, nhưng việc sử dụng đòi hỏi phải quản lý cẩn thận các rủi ro về sức khỏe, đặc biệt là phải xử lý và sử dụng thích hợp.
Theo nhà chức trách của FAO, vấn đề quan trọng là phải biết được nước thải có thể được xử lý và sử dụng an toàn và phù hợp với điều kiện địa phương.
Nước thải chưa qua xử lý thường có chứa vi trùng và mầm bệnh, các hạt từ ô nhiễm hóa học, dư lượng kháng sinh và các mối đe dọa khác đối với sức khỏe của người nông dân, công nhân trong dây chuyền thực phẩm và người tiêu dùng. Ngoài ra, đây cũng là một mối quan ngại đối với môi trường.
Tuy nhiên, nhiều công nghệ và cách tiếp cận hiện có trên thế giới có thể xử lý, quản lý và sử dụng nước thải trong nông nghiệp, trong đó phần lớn đều phù hợp với các nguồn tài nguyên thiên nhiên của địa phương, với các hệ thống canh tác nông nghiệp và với các loại cây trồng.
Một nguồn lực thay thế quan trọng
Nước rõ ràng là không thể thiếu đối với sản xuất lương thực song tình trạng khan hiếm nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng này đang ngày càng gia tăng do biến đổi khí hậu. Thực tế đó khiến nhân loại đang phải đối mặt với nguy cơ gặp khó khăn hoặc thậm chí sẽ không còn khả năng để nuôi sống mình.
Nhìn chung, tăng trưởng dân số và phát triển kinh tế ngày càng gây áp lực lên nguồn nước ngọt. Nông nghiệp sử dụng 70% lượng nước ngầm toàn cầu và nhu cầu lương thực dự kiến sẽ tăng ít nhất 50% vào năm 2050, nhu cầu về nước của nông nghiệp cũng sẽ tăng lên, như nhu cầu từ các thành phố và các ngành công nghiệp.
Nếu được xử lý đúng cách thì việc sử dụng nhiều hơn các nguồn nước thay thế và độc đáo – bao gồm nước thải đô thị và nước thải từ các trang trại – có thể giúp làm giảm bớt vấn đề cạnh tranh tiếp cận với các nguồn tài nguyên.
“Được sử dụng và xử lý một cách an toàn để tránh nguy cơ sức khỏe và môi trường, nước thải có thể vượt qua những gánh nặng về tài sản” – ông de Souza nói, đồng thời chỉ ra rằng các hệ thống nhằm thu thập, xử lý và tái sử dụng nước thải cũng có thể tạo ra công ăn việc làm./.
Theo Dangcongsan
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()