FAO dự báo nguồn cung dự trữ toàn cầu ổn định trong năm 2016
Những dự báo đầu tiên cho mùa vụ mới vừa được Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) công bố ngày 7/4 cho thấy sản lượng ngũ cốc của thế giới sẽ ở mức 2.521 triệu tấn vào năm 2016, chỉ giảm 0,2% so với năm trước và có hiệu suất tốt thứ ba trong lịch sử thế giới.
Theo bản tin mới nhất của FAO về cung và cầu ngũ cốc, nguồn dự trữ đáng kể và lượng cầu không giảm sút trên toàn thế giới sẽ là những điều kiện thị trường tương đối ổn định đối với các sản phẩm ngũ cốc cơ bản trong ít nhất một mùa tới đây.
Dự báo sản lượng ngũ cốc thế giới sụt giảm nhẹ 0,2% trong vụ mùa 2016 – 2017 được giải thích phần lớn bởi sự sụt giảm sản lượng lúa mỳ trên thế giới. Theo đó, sản lượng lúa mỳ thế giới dự báo sẽ ở mức 712,7 triệu tấn, giảm 20 triệu tấn so với năm 2015. Tại cuộc họp báo, FAO tuyên bố: “Sự sụt giảm này chủ yếu là do giảm lượng gieo trồng tại Nga và Ukraine, hai quốc gia bị tác động bởi tình trạng khí hậu khô”.
Mặt khác, cũng trong ngày 7/4, FAO công bố chỉ số giá thực phẩm trong tháng 3 tăng 1% so với tháng 2, khi giá đường và dầu cọ tiếp tục tăng, trong khi giá các sản phẩm sữa giảm. “Chỉ số đã ở mức trung bình 151,0 điểm trong tháng 3, mức cao nhất trong năm 2016, nhưng vẫn thấp hơn 12% so với mức của năm ngoái” – FAO cho biết.
Chỉ số giá lương thực của FAO là một chỉ số đo lường sự thay đổi hàng tháng về giá của 5 loại thực phẩm chính trên thị trường quốc tế: ngũ cốc, thịt, sữa, dầu thực vật và đường. Sự sụt giảm chỉ số giá lương thực của FAO vào năm 2015 được giải thích bởi nguồn cung cấp thức ăn lớn, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại và đồng đô la Mỹ mạnh hơn.
Theo FAO, giá ngũ cốc đã giảm nhẹ trong tháng 3, tháng giảm thứ 5 liên tiếp trong bối cảnh triển vọng thuận lợi trong mùa mới.
Trong khi đó, chỉ số giá đường của FAO đã tăng 17,1% so với tháng 2, đạt mức cao nhất kể từ tháng 11/2014. Sự gia tăng mạnh mẽ này chủ yếu là do những dự báo về nguy cơ thiếu hụt sản lượng lớn hơn trong vụ mùa năm nay, cũng như tăng cường sử dụng đường thô để sản xuất ethanol ở Brazil.
Về giá các loại dầu thực vật, chỉ số FAO cũng tăng mạnh, tăng 6,3% kể từ tháng 2. Giá dầu cọ đã tăng lên đáng kể do hạn hán kéo dài ở Malaysia và Indonesia, các nhà sản xuất chính trên thế giới; trong khi giá dầu đậu nành vẫn ổn định, giá dầu hướng dương và dầu hạt cải giảm.
Chỉ số giá của FAO cho các sản phẩm sữa đã giảm 8,2%, xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009, do sự sụt giảm của giá bơ và phô mai. Chỉ số giá thịt vẫn không thay đổi kể từ tháng trước./.
Theo Dangcongsan
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()