FAO: “Chúng ta đang phải đối mặt với nạn béo phì toàn cầu”
Tổng giám đốc FAO Jose Graziano da Silva cho biết, tỷ lệ thừa cân và béo phì đang có xu hướng gia tăng trên toàn thế giới.
Đề cập tới Mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals – SDGs) số 2 với nội dung “Xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực và cải thiện dinh dưỡng, phát triển nông nghiệp bền vững”, Tổng giám đốc FAO Jose Graziano da Silva nhấn mạnh rằng, cộng đồng quốc tế không nên chỉ tập trung vào nỗ lực xóa đói.
Cũng trong bài phát biểu của mình tại buổi khai mạc Phiên họp lần thứ 161 của Hội đồng FAO tại Rome (Italia), ông Jose Graziano da Silva cũng chỉ ra thêm, tỷ lệ thừa cân và béo phì đang có xu hướng gia tăng trên toàn thế giới. Trong khi nạn đói chỉ giới hạn ở một số khu vực cụ thể, thì tình trạng thừa cân và béo phì lại có thể diễn ra ở bất cứ đâu. Tổng giám đốc FAO còn gọi đây là một sự “toàn cầu hóa” của nạn béo phì.
Một chuỗi sự kiện về lương thực và nông nghiệp trong khuôn khổ trong chương trình nghị sự sẽ được tổ chức trong vài tuần tới.
Vào ngày 23 và 24-4, FAO, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ triệu tập một diễn đàn Quốc tế về An ninh và Thương mại Thực phẩm. Sau đó, một chương trình khác với tên gọi “Thập niên quốc tế trang trại gia đình của Liên hợp quốc” sẽ được ra mắt tại trụ sở của FAO vào cuối tháng 5.
Hai hội thảo về ăn uống lành mạnh và đổi mới trong sản xuất nông nghiệp sẽ được tổ chức vào tháng 6, bên cạnh đó còn có cuộc họp của các bên tham gia Hiệp ước Quốc tế về Quản lý Cảng biển Quốc gia (PSMA) của FAO. Thỏa thuận về các biện pháp quản lý cảng quốc tế là bước tiến lớn trong cuộc chiến để loại bỏ hoạt động khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát (IUU) trên toàn cầu.
Tăng cường hiệu quả hợp tác giữa FAO và các đối tác
Tại Hội đồng FAO, ông Graziano da Silva đã nhấn mạnh sự thành công của tổ chức thành viên Liên hợp quốc này trong việc giảm thiểu chi tiêu mà vẫn đảm bảo tính hiệu quả công tác những năm gần đây. FAO hiện đang hướng tới những kết quả đáng ghi nhận hơn nữa bằng việc thu hút thêm các đóng góp tự nguyện.
Tổng giám đốc FAO cũng nhắc lại một lần nữa những cam kết của tổ chức này đối với các mối quan hệ đối tác. Có thể thấy, số lượng đối tác của FAO đã tăng gấp năm lần trong khoảng thời gian từ 2012 đến 2018. Từ một con số khiêm tốn là 20 thành viên, đến nay đã có tới 100 đối tác sẵn sàng kết hợp với FAO trong các công tác vì cộng đồng quốc tế với các khoản đóng góp tăng từ 28 triệu USD lên hơn 200 triệu USD.
Sự hợp tác giữa FAO và các cơ quan khác của Liên hợp quốc cũng đã tăng gần gấp đôi kể từ năm 2012. Điều này dẫn đến sự gia tăng của các khoản đóng góp từ chính hệ thống của tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới này là 100%, tương đương với 800 triệu USD.
Phiên họp lần thứ 161 của Hội đồng FAO sẽ kết thúc vào thứ sáu 12-4. Ngoài chương trình chính, sẽ diễn ra một loạt các sự kiện bên lề về các chủ đề như quan điểm về đa dạng sinh học cho thực phẩm và nông nghiệp, trình bày kết quả của bản báo cáo đầu tiên về tình trạng đa dạng sinh học cho thực phẩm và nông nghiệp, và Kháng kháng sinh (AMR) trong bối cảnh của chương trình “Một Sức khỏe”.
Theo Nhandan
Ý kiến ()