FAO báo động về nguy cơ tử vong do nạn đói trên thế giới
Ngày 24/4, Tổng giám đốc Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) José Graziano da Silva đã lên tiếng báo động về số phận của hàng triệu người dân đang bị đe dọa bởi nạn đói tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Phát biểu tại cuộc họp của FAO tại Roma (Italy), ông Graziano da Silva cho biết: “Cần khẩn cấp hành động để cứu lấy cuộc sống của những người dân đang phải đối mặt với nạn đói tại khu vực Đông Bắc Nigerria, Somalia, Nam Sudan và Yemen”. Theo ông, nếu không hành động, “khoảng 20 triệu người sẽ có thể chết đói trong vòng 6 tháng tới”. Nạn đói không chỉ giết chết con người mà còn góp phần gây ra bất ổn xã hội và kéo dài vòng tròn luẩn quẩn của nghèo đói và tình trạng phụ thuộc vào hỗ trợ vốn từng kéo dài trong nhiều thập kỷ nay.
Tại cuộc họp lần này, các nhà lãnh đạo của FAO sẽ được thông tin cụ thể về quy mô của các cuộc khủng hoảng lương thực xảy ra trên thế giới cũng như các biện pháp cần áp dụng để phòng tránh thảm họa.
Ngoài ra, FAO cũng sẽ thông qua Chương trình làm việc và ngân sách của tổ chức này trong giai đoạn 2018 – 2019. Ngân sách sẽ được ưu tiên dành cho những lĩnh vực mà FAO có thể đạt được kết quả tốt hơn tại các quốc gia thành viên, nhằm thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững như thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu tác động, sản xuất nông nghiệp bền vững, quản lý tình trạng thiếu nước và tăng cường khả năng phục hồi của những gia đình nông dân nghèo.
Theo FAO, lương thực và nông nghiệp vẫn giữ vai trò then chốt trong quá trình thực hiện Chương trình Phát triển bền vững và công việc của FAO sẽ góp phần thực hiện 40 chỉ tiêu của 15 trong số 17 mục tiêu.
Bên cạnh đó, tại cuộc họp lần này, các nhà lãnh đạo của FAO cũng sẽ thảo luận một thang đánh giá mới về các khoản đóng góp được các nước thành viên đưa ra hàng năm. Theo đề xuất này, hầu hết các nước thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) sẽ đóng góp ít hơn, trong khi các nước khác sẽ phải đóng góp thêm.
Tổng giám đốc FAO kêu gọi các nước OECD tăng đóng góp bằng cách cung cấp các khoản đóng góp tự nguyện bổ sung. “Các khoản đóng góp tự nguyện có tầm quan trọng cơ bản đối với FAO, bây giờ hơn bao giờ hết” – ông Graziano da Silva nhấn mạnh./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()