FAO: 39 quốc gia trên thế giới cần viện trợ lương thực từ bên ngoài
Theo báo cáo của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) vừa công bố, các cuộc xung đột và điều kiện thời tiết xấu tiếp tục làm gia tăng bất ổn lương thực và kéo dài thêm danh sách các quốc gia cần viện trợ lương thực từ bên ngoài.
Theo nghiên cứu, 39 quốc gia hiện đang cần viện trợ lương thực từ bên ngoài, tăng thêm 2 quốc gia (Senegal và Cape Verde) so với báo cáo gần đây được công bố vào tháng 3 vừa qua.
Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc ước tính sau một mùa gieo trồng kém, 35% dân số của Cape Verde sẽ cần viện trợ lương thực, thậm chí sản lượng dự kiến sẽ giảm hơn một nửa vào đầu mùa hè khi những cơn mưa theo mùa bắt đầu xảy ra. Trong khi đó, điều kiện mục vụ nghèo nàn ở một số khu vực miền Bắc Senegal lại sẽ làm tăng số lượng người cần giúp đỡ lên tới con số 750.000 người.
Xung đột dai dẳng và những cú sốc khí hậu bất lợi góp phần làm tăng bất ổn lương thực. Do đó, tất cả các nước vẫn nằm trong danh sách các quốc gia cần viện trợ lương thực bao gồm 31 quốc gia ở châu Phi và 7 nước ở châu Á, cùng với Haiti. Các cuộc nội chiến và bất ổn ở châu Phi và Trung Đông đã góp phần làm tăng mức đói nghèo, đồng thời đẩy hàng triệu người phải di cư, gây áp lực lên các nước láng giềng và ngăn cản người nông dân gieo trồng trên những cánh đồng của họ.
Lượng mưa không đủ cũng ảnh hưởng đến triển vọng sản xuất ngũ cốc ở phía Nam châu Phi và Nam Phi. Và theo báo cáo, điều kiện thời tiết bất lợi cũng gây khó khăn cho các nông dân canh tác ở Tây Phi.
Ngoài ra, FAO dự báo sản lượng ngũ cốc toàn cầu vào năm 2018 sẽ giảm 1,5% so với mức kỷ lục đạt được hồi năm trước. Sự suy giảm này vẫn lớn hơn ở một số vùng, đặc biệt là ở Nam và Bắc Mỹ, và ở Nam Phi.
Xung đột đã làm gián đoạn các hoạt động nông nghiệp ở một số vùng của Trung Phi, bao gồm Cộng hòa Trung Phi và Cộng hòa Dân chủ Congo. Xung đột ở Nigeria và Libya cũng đã dẫn đến sự suy giảm nhu cầu về thịt và giảm mạnh thu nhập của nhiều hộ nông dân ở vùng Sahel.
Trong khi đó, những cơn mưa gần đây đã góp phần làm tăng sản lượng ngũ cốc ở Đông Phi, sau một vài vụ thu hoạch liên tiếp giảm do hạn hán. Mưa lớn đã gây ra lũ lụt ở Somalia, Ethiopia và Kenya, đẩy khoảng 800.000 người phải di cư.
Giá lương thực chủ yếu cao và tăng ở Sudan và Nam Sudan, ảnh hưởng đến tiếp cận lương thực và tăng rủi ro liên quan đến bất ổn lương thực. Nếu không có sự trợ giúp nhân đạo, số người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng ở Nam Sudan dự kiến sẽ tăng lên 7,1 triệu người trong thời kỳ cao điểm kéo dài từ tháng 6 đến tháng 7.
Theo FAO, vụ thu hoạch ngũ cốc năm 2018 ở châu Á dự kiến sẽ tiếp tục lên gần mức kỷ lục hồi năm ngoái. Trong đó, tổng sản lượng lúa dự kiến sẽ đạt kỷ lục mới, với kết quả tốt hơn ở nhiều nước như: Bangladesh, Việt Nam, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, và Sri Lanka. Sản lượng lúa mỳ ở Ấn Độ và Pakistan dự kiến sẽ tăng nhờ điều kiện phát triển thuận lợi./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()