Facebook trong giờ hành chính
LSO-Facebook (Fb) không còn xa lạ với nhiều người. Theo thời gian, số lượng người dùng Fb ngày càng nhiều. Fb xuất hiện mọi lúc, mọi nơi. Nhiều người đã trở thành dân “nghiện” Fb. Trong số đó không loại trừ đối tượng cán bộ, công chức (CBCC). Vì thế Fb đã và đang xuất hiện khá phổ biến trong giờ hành chính của các cơ quan, công sở trên địa bàn tỉnh.
Cán bộ Phòng Tổ chức – Hành chính, Bảo hiểm xã hội tỉnh tận dụng tối đa thời gian làm việc trong giờ hành chính |
FACEBOOK XUẤT HIỆN MỌI LÚC, MỌI NƠI CẢ TRONG GIỜ HÀNH CHÍNH
Năm 2006, mạng xã hội Fb ra đời với ý nghĩa chính là giao lưu, học hỏi và trau dồi kiến thức. Nó cho phép người dùng lập trang mạng cá nhân; có thể đăng tải thông tin về bản thân, trạng thái, hình ảnh, video; có thể kết nối mọi người với nhau không phân biệt quốc gia, giới tính, độ tuổi; giúp người dùng gửi tin nhắn, chơi trò chơi, tìm hiểu hoặc tìm kiếm thông tin… Người dùng chỉ cần có các thiết bị như điện thoại di động thông minh, máy vi tính, laptop, máy tính bảng kết nối mạng là có thể cài đặt, sử dụng Fb. Với những tính năng vượt trội lại được sử dụng miễn phí nên Fb ngày càng thu hút nhiều số người sử dụng. Theo trang kienthucweb.net đến cuối năm 2014, Fb trở thành công cụ liên lạc quen thuộc với cộng đồng mạng, có số lượng thành viên lớn nhất thế giới (với hơn 1 tỷ người) và không ngừng gia tăng theo từng giây. Tại Việt Nam cứ 3 giây lại có 1 người đăng ký sử dụng.
Người sử dụng Fb trong tỉnh gồm đủ các tầng lớp trong số đó phần đa là giới trẻ từ 14 – 35 tuổi và đối tượng CBCC nhà nước. Người dùng cũng tận dụng các tiện ích của Fb để tìm kiếm, kết bạn, gửi tin nhắn, chơi trò chơi, cập nhật thông tin về bản thân và gia đình, bạn bè… Vì thế Fb cũng xuất hiện ở mọi lúc, mọi nơi và rất phổ biến tại các cơ quan, công sở. Thậm chí nhiều CBCC đã trở thành dân “nghiện” Fb đến mức quên cả công việc. Trong những ngày gần đây Fb cá nhân của tôi cũng liên tục đăng nhập trong giờ hành chính (bắt buộc vì tìm kiếm thông tin cho bài viết). Qua theo dõi cho thấy trên khung chat ở bên phải trên Fb thường xuyên xuất hiện những người bạn của mình làm cán bộ cơ quan nhà nước đang online trên Fb bằng thiết bị máy tính, riêng bạn bè là cán bộ công tác tại các cơ quan trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn chiếm tới 80%. Trong số đó có người là giáo viên, bộ đội, kế toán, bác sỹ, cán bộ các phòng chuyên môn ở các sở, ngành, huyện, thành phố… Tìm hiểu thêm Fb của 1 đồng nghiệp cùng phòng thì tình trạng CBCC chơi Fb trong giờ hành chính bằng máy tính của cơ quan cũng không phải là hiếm. Không chỉ phổ biến ở số công chức trẻ, làm nhân viên mà có cả những người làm lãnh đạo, công chức có tuổi cũng thường xuyên lên Fb trong giờ hành chính. Fb còn trở thành chủ đề bàn tán, tranh luận sôi nổi của giới công chức tại công sở. Vì thế, nó chiếm khá nhiều thời gian làm việc. Không có số liệu thống kê chính xác nhưng chỉ tính trong 8 tiếng làm việc tại công sở/ngày, mỗi cán bộ chỉ dành từ 1 – 4 tiếng cho Fb thì kết quả công việc đã giảm sút rất nhiều về năng suất, chất lượng. Theo báo cáo công tác CCHC năm 2014, hết năm 2014, toàn tỉnh có 100% sở, ban, ngành, huyện, thành phố và 67,2% (152/226) xã, phường, thị trấn kết nối Internet; trên 80% CBCC thường xuyên sử dụng thư điện tử trong công việc. Với điều kiện sử dụng mạng rộng rãi như vậy trong khi Fb lại đang khá phổ biến hiện nay, thì số lượng CBCC sử dụng Fb không phải là nhỏ.
NHỮNG BẤT LỢI VÀ GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC
Về thời gian sử dụng Fb là như vậy nhưng việc dùng Fb một cách thái quá, ảnh hưởng đến hình ảnh cơ quan, đồng nghiệp thì cũng đã từng xảy ra ở đâu đó trên địa bàn tỉnh. Qua trang cá nhân của mình tôi đã từng thấy có nhiều người là CBCC nhưng đăng tải những thông tin, trạng thái thể hiện sự chán nản, chê bai công việc, chê bai lãnh đạo và đồng nghiệp. Thậm chí còn có những CBCC mượn Fb làm diễn đàn tranh cãi, chửi đổng, chửi thề nhau để mọi người cùng vào bàn tán, bình luận, chia sẻ. Với người hiểu thì không sao, người không hiểu sẽ cho rằng nội bộ cơ quan của cán bộ đó mất đoàn kết, mất dân chủ, quản lý CBCC lỏng lẻo nên mới để tình trạng đó xảy ra. Ông Phạm Tuấn Tú – Trưởng Phòng Cải cách hành chính, Sở Nội vụ cho rằng, Fb là công cụ rất hữu ích với mỗi cá nhân và nó rất cuốn hút. Nếu sử dụng Fb đúng cách thì rất tốt, lạm dụng quá thì ngược lại. Ví dụ như trong 8 tiếng làm việc căng thẳng trên công sở, mỗi cán bộ chỉ dành khoảng 15 phút vào Fb thì thời gian đó sẽ như được giải lao, tiếp thêm tinh thần, sức lực cho cán bộ làm việc hiệu quả hơn. Ngược lại nếu vừa làm vừa truy cập Fb sẽ làm thất thiệt về thời gian, phương tiện làm việc của nhà nước dẫn đến chất lượng công việc không cao.
Theo ông Tú, để sử dụng Fb một cách hiệu quả, trước hết mỗi cán bộ hãy nâng cao nhận thức về giờ giấc làm việc, sử dụng Fb một cách khoa học, không lạm dụng Fb trong giờ hành chính hoặc đăng tải những thông tin thất thiệt. Thủ trưởng các cơ quan cũng cần thường xuyên quán triệt chặt chẽ quy định về thời gian làm việc trên công sở; yêu cầu mỗi CBCC sử dụng Fb không được truy cập trong giờ hành chính đặc biệt là sử dụng máy tính của cơ quan truy cập Fb; không đăng tải những thông tin, trạng thái bất lợi gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh cơ quan, đồng nghiệp hoặc cá nhân nào đó; xử lý nghiêm những trường hợp CBCC sử dụng phương tiện, thiết bị cơ quan và thời gian làm việc cho việc truy cập Fb ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng công việc.
MINH ĐỨC
Ý kiến ()