FAA đưa ra yêu cầu mới đối với Boeing 737 MAX
Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) ngày 3/8 công bố bản đánh giá sơ bộ, đề cập đến những vấn đề còn tồn tại và yêu cầu Boeing cần thay đổi một số thiết kế chính liên quan đến dòng máy bay 737 MAX nếu muốn đưa dòng máy bay này quay trở lại bầu trời.
Máy bay Boeing 737 MAX đỗ tại Boeing Field, Seattle, Washington, Mỹ. |
Trong một thông báo nhằm lấy ý kiến đóng góp công khai của công chúng trong vòng 45 ngày, FAA cho biết sẽ yêu cầu một loạt điều chỉnh nhằm giải quyết vấn đề mất an toàn của dòng máy bay này. Bản đánh giá toàn diện được FAA thực hiện trong vòng hơn 18 tháng, đòi hỏi sự tham gia của hơn 40 kỹ sư, điều tra viên, phi công và nhân viên hỗ trợ kỹ thuật. Cho đến nay, FAA đã tiến hành hơn 60.000 giờ kiểm tra, xem xét và đánh giá đối với dòng máy bay 737 MAX.
Việc yêu cầu thay đổi này nhằm đảm bảo 737 MAX sẽ tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn của FAA một cách nghiêm ngặt. Theo đó, phần lớn sự thay đổi đã được Boeing thảo luận công khai. Trong các yêu cầu mới được đưa ra, bao gồm những thay đổi chính được FAA đề nghị như yêu cầu việc cập nhật phần mềm kiểm soát bay, phần mềm hiển thị cảnh báo, cập nhật hệ thống chống rung hay điều chỉnh hệ thống cảm biến cũng như sửa đổi quy trình vận hành của phi hành đoàn…
Thông báo cũng yêu cầu Boeing phải hoàn tất quy trình đào tạo phi công trước khi dòng máy bay 737 MAX được phép quay trở lại hoạt động. Hiện chưa chắc chắn liệu dòng máy bay 737 MAX có được cất cánh trở lại vào cuối năm 2020 hay không. FAA cho biết, những thay đổi này nhằm giảm thiểu tối đa nhất sự phụ thuộc vào các hoạt động của phi công. FAA cũng khẳng định sẽ chỉ cho phép dòng máy bay của Boeing được cất cánh trở lại khi giải quyết được mọi quan ngại về an toàn.
Hoạt động của Boeing 737 MAX đã bị đình chỉ sau hai thảm họa liên quan đến dòng máy bay này. Vào ngày 10/3/2019, một chiếc Boeing 737 MAX của hãng hàng không Ethiopian Airlines bị rơi ở Ethiopia khiến 157 người thiệt mạng. Trước đó, vào ngày 29/10/2018, một máy bay Boeing 737 MAX khác của Hãng hàng không giá rẻ Lion Air của Indonesia gặp nạn cũng khiến 189 người thiệt mạng. Boeing đã từng thừa nhận cả hai trường hợp máy bay gặp sự cố đều có liên quan đến Hệ thống tăng cường tính năng điều khiển bay (MCAS) do Boeing chế tạo.
Tập đoàn sản xuất máy bay Boeing của Mỹ ngày 29/7 vừa qua thông báo hãng này đã thiệt hại 2,4 tỷ USD trong quý II/2020, cụ thể doanh thu giảm 25% xuống còn 11,8 tỷ USD do lệnh đình chỉ bay của dòng 737 MAX cũng như tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19). Hãng này cũng đồng thời cho biết sẽ tiếp tục cắt giảm sản xuất máy bay vì nhu cầu thấp sau đại dịch.
Trước đó, Tập đoàn sản xuất và chế tạo Boeing cho biết chỉ nhận được 1 đơn đặt hàng trong tháng 6 so với 9 đơn đặt hàng trong tháng 5. Khách hàng của Boeing đã hủy các đơn đặt hàng tổng cộng 355 chiếc Boeing 737 MAX trong nửa đầu năm 2020. Hiện tại, thiệt hại do việc đình chỉ bay của dòng máy bay 737 MAX cũng như ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 tới nền hàng không thế giới tiếp tục trầm trọng thêm./.
Ý kiến ()