F0 điều trị tại nhà cần chế độ dinh dưỡng như thế nào?
F0 điều trị tại nhà cần phải bảo đảm chế độ dinh dưỡng giúp tăng cường sức đề kháng, nhanh chóng phục hồi, đề phòng cơ thể suy kiệt dẫn tới suy dinh dưỡng.
Theo thống kê phân loại về số người nhiễm Covid-19, thì có khoảng 80% trường hợp F0 không có triệu chứng, 20% còn lại có triệu chứng từ nhẹ đến nặng.
Chế độ dinh dưỡng theo mức độ triệu chứng của F0 giúp tăng cường sức đề kháng, nhanh chóng phục hồi, đề phòng cơ thể suy kiệt dẫn tới suy dinh dưỡng, thậm chí có thể tử vong.
Thực hiện chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân đối giúp người bệnh Covid-19 tại nhà sớm khỏi bệnh. Ảnh minh họa: Hanoimoi.com.vn |
Để hạn chế diễn biến nặng, nguy kịch, người bệnh cần được theo dõi thường xuyên và thực hiện chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Những trường hợp người bệnh nhiễm Covid-19 không có triệu chứng hoặc thể nhẹ điều trị tại nhà, việc thực hiện, tuân thủ chế độ dinh dưỡng là thật sự cần thiết, bởi dinh dưỡng giúp hỗ trợ và cải thiện “hàng rào” bảo vệ cơ thể như tế bào miễn dịch, các kháng thể, da, niêm mạc hô hấp, niêm mạc dạ dày làm tăng sức đề kháng.
Khi bị nhiễm, người bệnh thường có dấu hiệu đột ngột bị mất vị giác hoặc khứu giác, làm giảm khả năng ăn uống. Do vậy, cần bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý để tránh thiếu hụt về dinh dưỡng dẫn tới suy dinh dưỡng.
Người bệnh nhiễm Covid-19 đều tăng nhu cầu dinh dưỡng do tăng tiêu hao năng lượng, nếu không bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, đúng cách, người bệnh sẽ suy dinh dưỡng nặng. Suy dinh dưỡng làm tăng nguy cơ bội nhiễm, bệnh trở nặng, kéo dài thời gian thở máy, tăng chi phí điều trị.
Vì vậy, việc cung cấp dinh dưỡng cho người bệnh nhiễm Covid-19 nhẹ và không có triệu chứng tại nhà là rất cần thiết, giúp nâng cao thể trạng, tăng cường miễn dịch và hạn chế biến chứng.
Cục An toàn thực phẩm phối hợp với Viện Dinh dưỡng Quốc gia xây dựng khuyến cáo dinh dưỡng cho người mắc Covid-19 cách ly tại nhà và tập trung, trong đó khuyến cáo cần bảo đảm 6 nguyên tắc dinh dưỡng sau:
Thứ nhất:Bảo đảm bệnh nhân F0 được cung cấp đủ thực phẩm, cần ăn đủ 3 bữa chính. Mỗi bữa cần đủ 4 nhóm thực phẩm gồm: Ngũ cốc, khoai củ; thịt cá, tôm, trứng sữa, đậu đỗ; dầu mỡ; rau xanh và quả chín.
Chế độ ăn uống cần cung cấp đủ lượng vitamin và khoáng chất giúp cơ thể bảo đảm đủ số lượng tế bào miễn dịch và kháng thể, điều này rất quan trọng khi cơ thể tăng cường phản ứng với tình trạng nhiễm trùng.
Thứ hai:Chế độ ăn cần cung cấp đủ protein, vitamin và khoáng chất, giúp cho hệ miễn dịch của cơ thể khỏe mạnh, tăng sức đề kháng.
Cần ăn đủ lượng thịt, cá trứng; trong đó lượng thịt cá, trứng (200-250g/ngày), rau xanh 300 – 400g/ngày và quả chín từ 200-300g/ngày.
Thứ ba:Trong trường hợp mệt mỏi, chán ăn, mất vị giác vẫn ăn đủ bữa và số lượng thực phẩm, có thể thay đổi cách chế biến thành các dạng thực phẩm lỏng như cháo, súp, chia làm nhiều bữa nhỏ hoặc thay thế bằng các loại sữa, sản phẩm bổ sung dinh dưỡng giàu năng lượng từ 1-3 lần/ngày.
Thứ tư:Đặc biệt lưu ý phòng suy kiệt, thiếu dinh dưỡng cho những đối tượng dễ bị tổn thương như người cao tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai bằng cách tăng cường chế độ ăn. Với người bệnh nền phải thực hiện uống thuốc theo đơn của bác sĩ và có chế độ ăn phù hợp với bệnh lý.
Thứ năm:Uống đủ nước, mỗi ngày uống 1,6 – 2,4 lít nước, tương đương 8 – 12 ly thủy tinh, có thể uống thêm nước ép rau củ, quả. Hạn chế sử dụng nước ngọt, nước có gas, đồ uống có cồn.
Thứ sáu:Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện ăn chín, uống sôi, hạn chế nguy cơ lây bệnh qua thực phẩm, đọc kỹ nhãn mác trước khi sử dụng.
Ý kiến ()