EVN bảo đảm cấp điện mùa khô 2012
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong tháng1, EVN đã đóng điện công trình đường dây 220 kV Bạc Liêu - Sóc Trăng và Dự án thay dây dẫn đường dây 110 kV Hà Đông - Vân Đình, khởi công công trình đường dây đấu nối với Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1 và công trình nâng dung lượng tụ bù dọc đường dây 500 kV Hà Tĩnh - Đà Nẵng; hoàn thành đóng điện cho hơn 4.000 hộ đồng bào Khmer thuộc Dự án đưa điện về các hộ đồng bào Khmer chưa có điện ở các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, để bà con có điện vui Tết Nguyên đán.Trong tháng 2, EVN tiếp tục đôn đốc hoàn thiện tổ hợp rô-to và sta-to, bảo đảm thả rô-to tổ máy số 5 thủy điện Sơn La vào cuối tháng; chạy không tải tổ máy số 1 thủy điện Đồng Nai 4; phát điện tổ máy 1 và 2 thủy điện Kanak. Mục tiêu vận hành hệ thống điện tháng 2 là khai thác theo kế hoạch điều tiết các nhà máy thủy điện để bảo đảm cấp điện mùa khô 2012, các nguồn nhiệt điện...
Trong tháng 2, EVN tiếp tục đôn đốc hoàn thiện tổ hợp rô-to và sta-to, bảo đảm thả rô-to tổ máy số 5 thủy điện Sơn La vào cuối tháng; chạy không tải tổ máy số 1 thủy điện Đồng Nai 4; phát điện tổ máy 1 và 2 thủy điện Kanak. Mục tiêu vận hành hệ thống điện tháng 2 là khai thác theo kế hoạch điều tiết các nhà máy thủy điện để bảo đảm cấp điện mùa khô 2012, các nguồn nhiệt điện than, tua-bin khí khai thác theo yêu cầu thực tế. Các công ty điện lực bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định, nhất là cấp điện cho các trạm bơm điện trong thời gian lấy nước tập trung phục vụ đổ ải.
PV
Tăng cường kiểm soát đăng ký giá ga
Ngày 7-2, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đã có công văn số 23/CQLG-TLSX gửi Sở Tài chính các tỉnh, thành yêu cầu tăng cường việc kiểm soát đăng ký giá về điều chỉnh giá bán ga trên địa bàn, nhằm làm rõ thông tin về đợt doanh nghiệp tăng giá ga thời gian vừa qua. Theo đó, Cục Quản lý giá yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh ga thuộc diện phải đăng ký giá thực hiện theo quy định hiện hành. Đây là một trong những động thái của Bộ Tài chính trước việc các doanh nghiệp điều chỉnh giá bán lẻ ga, gây hoang mang cho người tiêu dùng.
PV
APG hỗ trợ Việt Nam phòng, chống rửa tiền
Theo Thanh tra Giám sát Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam-NHNN), Nhóm châu Á – Thái Bình Dương (APG) sẽ hỗ trợ Việt Nam công tác phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố. Nội dung này được ghi nhận trong chuyến thăm và làm việc của Đoàn cấp cao APG tại Việt Nam trong những ngày đầu tháng 2 này.
Theo đó, các chuyên gia APG ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong việc hình sự hóa tội rửa tiền và đã chủ động ban hành nhiều thông tư hướng dẫn chống rửa tiền. Đồng thời, đoàn cũng xem xét, đánh giá và góp ý với những tồn tại của việc triển khai các hành động cốt lõi và chủ chốt trong Kế hoạch hành động nhằm hỗ trợ Việt Nam trình bày, giải thích với Nhóm xem xét các vấn đề hợp tác quốc tế (ICRG). Đoàn cũng cam kết sẽ xem xét nhu cầu hỗ trợ kỹ thuật của Việt Nam trong công tác phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố nhằm tìm kiếm các nhà tài trợ cho Việt Nam trong vấn đề này…
PV
PVFC và CUB đồng tài trợ 7,2 triệu USD cho dự án của VNA
Vừa qua, tại Hà Nội, Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) và Ngân hàng Cathay United (CUB) ký hợp đồng đồng tài trợ cung cấp sản phẩm tín dụng cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA). Theo hợp đồng được ký kết, PVFC và CUB sẽ tài trợ cho VNA với hạn mức tín dụng lên đến 7.225.000 USD trong bảy năm nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu tài chính mua động cơ dự phòng cho máy bay Airbus 321 trong dự án đầu tư 10 máy bay A321 của VNA. Trong đó, CUB là ngân hàng đầu mối, PVFC là đơn vị thu xếp vốn và là đại lý quản lý tài sản bảo đảm.
PV
Hỗ trợ dân trồng lúa 500 nghìn đồng/ha/năm
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có tờ trình Chính phủ về dự thảo nghị định về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, nhằm mục tiêu bảo đảm việc giữ và ổn định quỹ đất trồng lúa đến năm 2020 là 3,8 triệu ha. Theo đó, từ năm 2012 đến 2015, ngoài hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo quy định, các địa phương và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất lúa còn được ngân sách trung ương hỗ trợ bổ sung có mục tiêu là 500 nghìn đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa nước, và 100 nghìn đồng/ha/năm đối với đất trồng lúa khác.
PV
Nam Định xây dựng mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”
Tỉnh Nam Định đã chọn 13 xã thuộc chín huyện trên địa bàn tham gia thí điểm xây dựng mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động. Mỗi mô hình có diện tích trung bình hơn 48 ha, và chỉ sử dụng một giống lúa, xuống giống cùng trà và sử dụng phương thức gieo sạ hàng 100% diện tích. Để thực hiện tốt mô hình, ngành nông nghiệp tỉnh hướng dẫn kỹ thuật thâm canh lúa theo quy trình VietGAP. Công ty cổ phần phân bón Bình Điền hỗ trợ mỗi nông dân 3 kg đạm cho một sào lúa; hỗ trợ mỗi HTX ba triệu đồng…
PV
Hoàn thành cơ bản tuyến đường bộ mới Phủ Lý – Nam Định trong năm 2012
Ngày 6-2, tại huyện Mỹ Lộc (Nam Định), Công ty cổ phần Tasco phối hợp UBND hai tỉnh Nam Định và Hà Nam tổ chức lễ ra quân đồng loạt trên toàn tuyến thi công Dự án đường bộ mới Phủ Lý – Nam Định, phấn đấu cơ bản hoàn thành việc xây dựng các hạng mục trong năm 2012 để đưa vào khai thác trong Quý II-2013.
Tuyến đường bộ mới này giúp giải quyết tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông trên quốc lộ 21 (trục giao thông huyết mạch của tỉnh Nam Định, thông thương với các tỉnh phía bắc và Thủ đô Hà Nội), được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng mức đầu tư hơn 2.600 tỷ đồng, quy mô toàn tuyến 22 km, trong đó, đoạn qua đô thị dài sáu km, chiều rộng mặt đường 48 m, đoạn còn lại rộng 24 m.
Dự án được khởi công vào tháng 1-2010, cuối năm 2011các đơn vị thi công đã cơ bản hoàn thành khối lượng các hạng mục chính, với giá trị hơn 2.100 tỷ đồng, đạt 81% khối lượng toàn dự án. Tuy nhiên, vốn dành cho dự án đến nay mới được cấp 100 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ và 40 tỷ đồng ngân sách Nhà nước dành cho giải phóng mặt bằng. Để dự án này hoàn thành đúng tiến độ, sớm đưa vào khai thác, việc tập trung nguồn vốn cho dự án cần được ưu tiên giải quyết.
Theo Nhandan
Ý kiến ()