Các "phương thuốc" mà các nhà lãnh đạo Liên hiệp châu Âu (EU) "kê đơn" cho "căn bệnh" nợ công tại Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone) dường như chưa đủ mạnh để chặn đà khủng hoảng kinh tế đang ngày càng trầm trọng tại khu vực này. Tình hình kinh tế khu vực tiếp tục xấu đi trong những ngày gần đây, trong khi đó, vẫn còn nhiều ý kiến bất đồng chung quanh kế hoạch giải cứu kinh tế Eurozone mà Hội nghị cấp cao EU vừa thông qua.Những lo ngại về một "hiệu ứng đô-mi-nô" xô đổ các nền kinh tế khu vực Eurozone đang trở thành hiện thực, khi sau Hy Lạp, Tây Ban Nha, CH Síp... thì Xlô-vê-ni-a là nước thứ sáu có nguy cơ phải tìm "phao cứu sinh" tài chính từ EU để cứu hệ thống ngân hàng. Hãng tin Bloomberg vừa đưa ra nhận định trên trong bối cảnh nợ công của Xlô-vê-ni-a đã tăng gấp đôi, lên mức 47,6% GDP kể từ khi gia nhập Eurozone và được dự báo đến cuối năm nay sẽ tăng lên mức 54,7%. Thủ tướng Xlô-vê-ni-a G.Gian-xa cũng nhận định, nước này có thể sẽ phải...
Các “phương thuốc” mà các nhà lãnh đạo Liên hiệp châu Âu (EU) “kê đơn” cho “căn bệnh” nợ công tại Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone) dường như chưa đủ mạnh để chặn đà khủng hoảng kinh tế đang ngày càng trầm trọng tại khu vực này. Tình hình kinh tế khu vực tiếp tục xấu đi trong những ngày gần đây, trong khi đó, vẫn còn nhiều ý kiến bất đồng chung quanh kế hoạch giải cứu kinh tế Eurozone mà Hội nghị cấp cao EU vừa thông qua.
Những lo ngại về một “hiệu ứng đô-mi-nô” xô đổ các nền kinh tế khu vực Eurozone đang trở thành hiện thực, khi sau Hy Lạp, Tây Ban Nha, CH Síp… thì Xlô-vê-ni-a là nước thứ sáu có nguy cơ phải tìm “phao cứu sinh” tài chính từ EU để cứu hệ thống ngân hàng. Hãng tin Bloomberg vừa đưa ra nhận định trên trong bối cảnh nợ công của Xlô-vê-ni-a đã tăng gấp đôi, lên mức 47,6% GDP kể từ khi gia nhập Eurozone và được dự báo đến cuối năm nay sẽ tăng lên mức 54,7%. Thủ tướng Xlô-vê-ni-a G.Gian-xa cũng nhận định, nước này có thể sẽ phải đối mặt với kịch bản giống với Hy Lạp, đồng thời nhấn mạnh chính phủ đang làm mọi điều có thể để tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn.
Tuy nhiên, áp lực khủng hoảng không chỉ gia tăng từ phía Xlô-vê-ni-a, các thống kê mới nhất cho thấy, kinh tế khu vực Eurozone tiếp tục ảm đạm, tỷ lệ thất nghiệp vẫn tăng vọt và việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hạ lãi suất xuống “mức lịch sử” cũng không mang lại hy vọng cho kinh tế khu vực. Số liệu thống kê mới nhất của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp tại Eurozone trong tháng 5 vừa qua đã tăng lên 11,1% tổng số người trong độ tuổi lao động và đây là mức cao nhất kể từ khi đồng ơ-rô được đưa vào lưu hành năm 1999. Các chuyên gia không loại trừ khả năng tỷ lệ thất nghiệp tại Eurozone sẽ tăng đến 11,5 – 12% vào cuối năm nay.
Một trong những giải pháp tổng thể đáng kể nhất mà EU thực thi để cải thiện tình hình kinh tế khu vực, đó là việc ECB vừa quyết định hạ 0,25% lãi suất chủ chốt, xuống còn 0,75% và là mức thấp kỷ lục với mục đích nhằm kích thích nền kinh tế châu Âu đang trì trệ.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh kinh tế mất an toàn quá lớn như ở châu Âu hiện nay, thì việc giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm sẽ không thể gây ra sự bùng nổ đầu tư. Thậm chí, các nhà phân tích còn lo ngại việc hạ mạnh lãi suất, cho vay tiền quá dễ còn làm tăng rủi ro cho hệ thống ngân hàng, tạo tiền đề cho cuộc khủng hoảng tiếp theo. Bởi vậy, những từ ngữ to tát về việc ECB hạ lãi suất như “bước đi lịch sử” và “lãi suất thấp kỷ lục” dường như chỉ là tín hiệu cho thấy châu Âu đang trong tình trạng “lầm đường lạc lối”.
Có thể nói, triển vọng về một “lối thoát” cho cuộc khủng hoảng nợ công tại Eurozone hiện vẫn mờ mịt. Các nhà phân tích cho rằng, các giải pháp mà Hội nghị cấp cao EU đưa ra vừa qua vẫn chỉ là những “liều thuốc giảm đau”, chứ chưa phải “thuốc đặc trị” cho căn bệnh nợ công trầm kha của khu vực này. Và, ngay cả việc thực hiện những toa thuốc giảm đau trước mắt cho một số “điểm nóng” như Hy Lạp, CH Síp hay Tây Ban Nha, cũng còn nhiều điều đáng bàn. Với Hy Lạp, nước đã được cam kết cho vay 200 tỷ ơ-rô từ các định chế tài chính, một số chính sách mà EU yêu cầu nước này thực hiện, đang bị cho là không “dễ thở” và sẽ kìm hãm tăng trưởng kinh tế. Trong bài diễn văn vừa trình bày trước QH, Thủ tướng Hy Lạp Xa-ma-rát đã khẳng định, A-ten cần thêm thời gian và muốn đàm phán lại một số chính sách có thể cản trở sự phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Trong khi đó, Tây Ban Nha, trong lúc “nước sôi lửa bỏng” cần cứu các ngân hàng, đã được các nước Eurozone cam kết cho vay 100 tỷ ơ-rô. Song, theo quyết định của Hội nghị cấp cao EU mới đây, các ngân hàng Tây Ban Nha sẽ nhận khoản cứu trợ của châu Âu thông qua Quỹ cứu trợ tài chính (ESM). Mà khoản cứu trợ từ ESM lại phụ thuộc vào việc thiết lập một hệ thống các quy định và điều khoản của ngân hàng châu Âu sẽ chỉ được giải ngân trong nửa đầu năm 2013. Như vậy, các ngân hàng Tây Ban Nha vẫn cứ phải tự “bơi” trong khoảng nửa năm nữa để chờ “phao cứu sinh” tài chính.
Một trong những vấn đề đáng lo ngại nữa hiện nay là châu Âu vẫn bất đồng về cách “kê đơn trị bệnh” cho nền kinh tế khu vực. Ngoài những mâu thuẫn giữa Pháp và Đức về chính sách kinh tế, ngay trong lòng nước Đức cũng xuất hiện tranh cãi gay gắt về việc “giải cứu” Eurozone. Đầu tuần qua, khoảng 170 nhà kinh tế học của Đức đã công khai kêu gọi Thủ tướng A.Méc-ken và người dân Đức ngăn chặn liên minh ngân hàng đã được thúc đẩy tại Hội nghị cấp cao EU vừa qua. Họ cho rằng, đây là quyết định sai lầm và một khi liên minh tiền tệ châu Âu tan vỡ thì Ngân hàng LB Đức cũng sẽ phải gánh chịu món nợ lên tới 500 tỷ ơ-rô. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Đức V.Soi-blơ đã khơi lại vấn đề gây tranh cãi trong Eurozone, khi cho rằng châu Âu cần có một bộ trưởng tài chính nhằm bảo đảm một chính sách tài chính chung…
Dù Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) C.La-gác-đơ đánh giá, châu Âu đã có “những bước đi quan trọng đúng hướng”, song những diễn biến mới từ thực tế cuộc khủng hoảng tại châu Âu đang cho thấy, những “liều thuốc đắng” mà khu vực này liên tiếp đưa ra vẫn chưa thể ngăn “căn bệnh” nợ công đã đến hồi “di căn” tại khu vực. Theo đó, đoàn kết và nỗ lực tìm giải pháp phù hợp vẫn đang là điều cộng đồng quốc tế mong mỏi ở các nước châu Âu vào lúc này.
Theo Nhandan
Ý kiến ()