Eurozone quyết định ngừng giảm nợ cho Hy Lạp
Ngày 14/12, các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng euro (Eurozone) đã quyết định ngừng giảm nợ cho Hy Lạp sau khi Athens công bố kế hoạch tăng tiền trợ cấp cho người về hưu.
Các bộ trưởng tài chính Eurozone cho rằng những quyết định mới đây của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras (A-lếch-xít Xi-pơ-rát) có thể vi phạm những điều khoản của thỏa thuận về gói cứu trợ thứ 3 cho Hy Lạp, được các chủ nợ quốc tế thông qua hồi tháng 7/2015 sau 6 tháng đàm phán căng thẳng. Ông Jeroen Dijsselbloem (I-ơ-run Đây-sơn-blum), Chủ tịch Nhóm các bộ trưởng tài chính Eurozone – chịu trách nhiệm giám sát khoản cứu trợ khổng lồ trị giá 86 tỷ euro cho Athens, nhấn mạnh những hành động của Chính phủ Hy Lạp không phù hợp với những thỏa thuận đã ký kết.
Ngày 8/12 vừa qua, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã tuyên bố sẽ chi 617 triệu euro tiền phúc lợi một lần cho khoảng 1,6 triệu người về hưu có thu nhập thấp trước thềm Giáng sinh và không tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với các đảo ở phía Bắc biển Aegea (Ê-giê) – điểm tiếp nhận hàng nghìn người tị nạn trong cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất tại châu Âu từ Chiến tranh Thế giới thứ Hai đến nay.
Trước đó, hồi đầu tháng này, bất chấp các chỉ trích của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), các bộ trưởng tài chính Eurozone đã nhất trí thông qua một số giải pháp mang tính ngắn hạn và có thể được thực thi rất nhanh để giải quyết vấn đề nợ của Hy Lạp, dựa trên đề xuất của Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM). Dự kiến, với các giải pháp được thông qua, gánh nặng nợ Hy Lạp có thể giảm nhiều tỷ euro và thời hạn trả nợ được kéo dài tới tận năm 2060.
Tuy nhiên, sau quyết định trên của Hy Lạp, Đức đã thể hiện quan điểm cứng rắn và yêu cầu các bên giám sát tiền cứu trợ cho Athens gồm Ủy ban châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và ESM xem xét lại các biện pháp và ngừng giảm nợ cho Athens. Quyết định vừa đưa ra của các bộ trưởng tài chính Eurozone đã khiến chỉ số chứng khoán của Hy Lạp cùng ngày giảm 3,21% xuống còn 619.19 điểm.
Hiện nợ công Hy Lạp là hơn 300 tỷ euro, tương đương 180% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bất chấp 3 chương trình hỗ trợ tài chính liên tiếp của Liên minh châu Âu (EU) và IMF triển khai từ năm 2010. Cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp ngày càng phức tạp do Eurozone và IMF vẫn đang tranh cãi về cách thức làm thế nào để thúc đẩy Athens thực thi những cải cách cứng rắn hơn nữa./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()