Eurozone bị hối thúc chia sẻ nợ công để giảm tác động của COVID-19
Chín nước thành viên EU vốn đang gánh nợ nần đưa ra đề xuất Eurozone chia sẻ khối nợ công và được Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) ủng hộ, tuy nhiên lại bị Đức và những nước giàu có khác phản đối.
Ít nhất 9 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi các nước thuộc Khối sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) cùng chia sẻ gánh nặng nợ nần trong khu vực để giảm tác động xấu của dịch COVID-19.
Nội dung này được đưa ra trong thư gửi EU ngày 25/3 với chữ ký của các nhà lãnh đạo Pháp, Tây Ban Nha, Italy, Hy Lạp, Ireland, Bỉ, Luxembourg, Slovenia và Bồ Đào Nha.
Trong thư, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh: “Chúng ta cần phát triển một công cụ nợ chung nhằm gây quỹ trên thị trường với nền tảng như nhau và đem lại lợi ích cho tất cả các nước thành viên.”
Các nước thành viên EU vốn đang gánh nợ nần thường đưa ra đề xuất chia sẻ khối nợ công. Ý tưởng này được Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) ủng hộ, song lại bị Đức và những nước giàu có khác phản đối.
Cùng ngày 25/3, Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Salvador Illa cho biết nước này đã ký một thỏa thuận trị giá khoảng 432 triệu euro (467 triệu USD) với Trung Quốc để mua các trang thiết bị y tế nhằm đối phó với dịch COVID-19.
Theo đó, Chính phủ Tây Ban Nha sẽ mua 550 triệu khẩu trang, 5,5 triệu bộ kit xét nghiệm nhanh, 950 máy thở và 11 triệu đôi găng tay để giải quyết tình trạng thiếu hụt trang thiết bị y tế hiện nay.
Thỏa thuận được ký kết trong bối cảnh số người tử vong do COVID-19 tại Tây Ban Nha đã lên tới 3.434 người, cao hơn cả số bệnh nhân tử vong tại Trung Quốc đại lục.
Trong khi đó, Chính phủ Đức cho biết từ ngày 25/3 sẽ tạm cấm nhập cảnh các lao động thời vụ từ nước ngoài nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Động thái này có nguy cơ khiến các nông dân Đức thiếu nhân lực trầm trọng trong mùa thu hoạch sắp tới.
Một người phát ngôn Bộ Nội vụ Đức nêu rõ trong khuôn khổ các biện pháp kiểm soát biên giới, các lao động thời vụ sẽ không được phép nhập cảnh vào nước này. Trong số đó có cả các công dân của những nước thành viên EU.
Quyết định có hiệu lực từ 16 giờ GMT (23 giờ giờ Việt Nam) ngày 25/3 cho đến khi có thông báo tiếp theo.
Mỗi năm, khoảng 300.000 lao động thời vụ, chủ yếu từ Ba Lan và Romania, đến Đức để làm các công việc thu hoạch rau, củ, quả.
Trong ngày 25/3, Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ có có phiên trả lời chất vấn kéo dài gấp đôi bình thường, trước khi Quốc hội Anh sẽ đóng cửa trong ít nhất 4 tuần tới, nhằm ngăn sự lây lan của COVID-19.
Phiên trả lời của ông Boris Johnson sẽ kéo dài 1 giờ để các nghị sĩ có thêm thời gian đặt câu hỏi cho Thủ tướng, trước khi Quốc hội Anh bước vào kỳ nghỉ Phục sinh sớm và dài hơn kế hoạch ban đầu, bắt đầu từ tối 25/3, thay vì từ ngày 31/3 như thông báo trước đó./.
Ý kiến ()