EU yêu cầu Wolkswagen bồi thường cho khách hàng châu Âu
“Đó thực sự là một vấn đề về niềm tin của người tiêu dùng,” Ủy viên châu Âu nhấn mạnh sự không thiện chí của tập đoàn ôtô Đức và yêu cầu Volkswagen phải “hành động kiên quyết.”
Ngày 28/9, Liên minh châu Âu (EU) đã yêu cầu nhà sản xuất ôtô Volkswagen của Đức bồi thường ngay lập tức cho hàng nghìn khách hàng bị tổn hại trên khắp EU, chứ không chỉ riêng ở Đức, do vụ gian lận khí thải ôtô “Dieselgate.” EU đồng thời cáo buộc hãng xe này “chơi để câu giờ.”
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, tại cuộc họp báo hôm 28/9, Ủy viên châu Âu phụ trách bảo vệ người tiêu dùng Didier Reynders cho biết: “Đó thực sự là một vấn đề về niềm tin của người tiêu dùng,” ông nhấn mạnh sự không thiện chí của tập đoàn ôtô Đức và yêu cầu Volkswagen phải “hành động kiên quyết.”
Trong một tuyên bố, mạng lưới các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng của 27 quốc gia EU do Ủy ban châu Âu (EC) điều phối, hoan nghênh Volkswagen đã đạt được thỏa thuận với phần lớn người tiêu dùng cư trú tại Đức và kêu gọi hãng liên lạc với người tiêu dùng ở tất cả các quốc gia thành viên, những người vẫn đang đòi bồi thường, để tìm ra giải pháp thích hợp và kết thúc bằng cách tránh kiện tụng kéo dài nhiều năm.
Theo ông Didier Reynders, tuyên bố này tạo thành “áp lực chính trị,” vì thiếu tính ràng buộc.
Ông cho rằng rủi ro mà Volkswagen đang thực hiện trong vấn đề này là rủi ro về danh tiếng. Ông kêu gọi Volkswagen giải quyết vấn đề đã cản trở cuộc tranh luận trong nhiều năm bằng cách sửa một quy tắc bồi thường áp dụng cho tất cả người tiêu dùng châu Âu trên cơ sở mức trung bình của khoản bồi thường đã được Tòa án tuyên bố ở Đức, Hà Lan và Italya.
Ông Reynders thúc giục Volkswagen làm như vậy mà không cần thông qua các thủ tục pháp lý khác nhau đang được tiến hành ở các quốc gia thành viên và chỉ ra rằng mức bồi thường trung bình là khoảng 3.000 euro cho mỗi chiếc xe, nhưng không đưa ra ước tính về mức bồi thường tổng thể mà Volkswagen có thể phải đối mặt tại EU.
Ông cho biết số lượng khách hàng bị ảnh hưởng cụ thể là 150.000 ở Hà Lan, 400.000 ở Bỉ và 900.000 ở Pháp.
Một trong những bê bối lớn của Volkswagen là vào năm 2015, khi hãng này bị cáo buộc lắp đặt phần mềm gian lận khí thải trên 11 triệu ôtô để có thể vượt qua những cuộc kiểm tra định kỳ.
Vụ bê bối gian lận khí thải này bị phanh phui từ tháng 9/2015, theo đó, Volkswagen thừa nhận đã sử dụng thiết bị điều chỉnh thông số thải khí đôi khi vượt quá 40 lần so với tiêu chuẩn cho phép.
Khoảng 8,5 triệu xe bị ảnh hưởng ở châu Âu. Vụ “Dieselgate” đã hủy hoại uy tín của Volkswagen và buộc hãng phải chi 30 tỷ USD tiền phạt và các thỏa thuận dàn xếp pháp lý tại Mỹ, nơi tập đoàn của Đức đã nhận tội gian lận vào năm 2017.
Tại Đức, nhà sản xuất đã đạt được một thỏa thuận thân thiện vào tháng 4/2020 với Hiệp hội người tiêu dùng VZBV, tổ chức đang đứng đầu một hành động tập thể thay mặt cho 235.000 chủ sở hữu xe động cơ diesel bị gian lận, đề nghị bồi thường từ 1.350 đến 6.250 euro tùy thuộc vào chủng loại và thời gian lăn bánh của phương tiện.
Tổng số tiền bồi thường ít nhất là 750 triệu euro, nhưng tập đoàn cũng phải đối mặt với hàng nghìn vụ kiện dân sự cá nhân, thường kết thúc bằng các khoản thanh toán mà số tiền không được công bố./.
Ý kiến ()