EU xem xét hạ trần giá khí đốt nhập khẩu từ Nga thấp hơn mức đề xuất
Giá nhiên liệu tại châu Âu vẫn ở mức cao đang làm dấy lên lo ngại rằng các hộ gia đình và cơ sở kinh doanh có thể phải đối mặt với tình trạng mất điện hoặc không thể thanh toán các hóa đơn năng lượng.
Mỏ khí đốt Bovanenkovo của Nga ở Bán đảo Yamal, Bắc Cực. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét hạ trần giá khí đốt xuống mức thấp hơn so với đề xuất, trước khi các Bộ trưởng Năng lượng của khối nhóm họp vào ngày 19/12 để thông qua biện pháp này.
Bất chấp nhiều tháng đàm phán và 2 cuộc họp khẩn cấp bộ trưởng về mức trần đề xuất của EU, các quốc gia khối này vẫn chưa đạt được thỏa thuận và còn mâu thuẫn về việc liệu biện pháp này có thể làm giảm bớt hay trên thực tế sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu.
Hồi tháng 11 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất mức giá trần 275 euro/megawatt giờ (MWh), nhưng chỉ được kích hoạt nếu giới hạn này bị vượt qua liên tục trong vòng ít nhất 2 tuần, đồng thời giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tăng trên 58 euro trong 10 ngày trong cùng thời gian đó.
Một số quốc gia EU, bao gồm Pháp, Ba Lan và Tây Ban Nha, đã chỉ trích đề xuất này của EC, cho là không bao giờ có thể kích hoạt được việc áp giá trần.
Trong khi đó, các quốc gia EU khác bao gồm Đức, Hà Lan và Áo, coi mức giá trần này là quá cứng nhắc và là mối đe dọa đến nguồn cung, có nguy cơ khiến hoạt động giao hàng bị chuyển hướng từ châu Âu sang các thị trường sinh lời hơn ở châu Á.
Vấn đề áp giá trần khí đốt đang trở nên rất cấp bách, trong bối cảnh châu Âu đã bước vào mùa đông lạnh giá với ít lựa chọn về năng lượng hơn do nguồn cung khí đốt từ Nga giảm liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.
Giá nhiên liệu tại châu Âu vẫn ở mức cao đang làm dấy lên lo ngại rằng các hộ gia đình và cơ sở kinh doanh có thể phải đối mặt với tình trạng mất điện hoặc không thể thanh toán các hóa đơn năng lượng.
Trước bối cảnh này, hãng tin Bloomberg ngày 18/12 cho rằng, việc từ bỏ khí đốt của Nga liên quan tình hình Ukraine đã khiến châu Âu thiệt hại khoảng 1.000 tỷ USD.
Số tiền này là do giá điện tăng đối với các công ty và người tiêu dùng châu Âu. Bloomberg thậm chí còn đánh giá đây mới chỉ là khởi đầu của cuộc khủng hoảng năng lượng lớn nhất trong những thập kỷ gần đây.
Sau mùa đông, các kho chứa khí đốt sẽ cạn kiệt và trong điều kiện nguồn cung cấp khí đốt của Nga chỉ ở mức tối thiểu thì sẽ khó để lấp đầy các kho chứa này.
Theo các nhà phân tích của Bloomberg, nếu giá khí đốt tự nhiên tại EU ở mức 210 euro/MWh thì liên minh này sẽ phải đối mặt với suy thoái kinh tế nghiêm trọng.
Bloomberg cũng cho rằng tình hình căng thẳng về nguồn cung khí đốt tự nhiên hoá lỏng cho châu Âu sẽ kéo dài ít nhất cho tới năm 2026, khi Qatar và Mỹ có thể tăng đủ sản lượng hydrocarbon.
Ý kiến ()