EU vừa trừng phạt Nga đã lo nguồn cung năng lượng
Ngay sau khi thông qua gói trừng phạt thứ 9 đối với Moscow, trong đó bao gồm mở rộng ở lĩnh vực năng lượng, Liên minh châu Âu (EU) đã thúc đẩy các biện pháp nhằm bảo đảm nguồn cung năng lượng…
Theo Reuters, EU đã chấp thuận xây tuyến cáp ngầm dài gần 1.200km qua Biển Đen để mua điện từ Azerbaijan, nhằm đa dạng hóa nguồn cung năng lượng và thoát phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga. Ngày 17-12, các nước Hungary, Romania, Gruzia và Azerbaijan đã ký thỏa thuận về việc thiết lập một hệ thống cáp điện ngầm dưới biển để truyền tải điện từ các trại điện gió trong tương lai ở biển Caspi tới châu Âu.
Trên Twitter, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen khẳng định “cáp điện Biển Đen là tuyến truyền tải mới chứa đầy cơ hội”. Bà cho biết thêm, kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, châu Âu đã quyết định quay lưng lại với nhiên liệu hóa thạch từ Nga và đa dạng hóa hướng đến các đối tác năng lượng đáng tin cậy.
Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu chứng kiến lễ ký kết thoả thuận ngày 17-12 tại Romania. Ảnh: AP |
Phát biểu tại lễ ký, bà Ursula von der Leyen khẳng định thỏa thuận sẽ giúp EU xích lại gần hơn các đối tác tại khu vực Bắc Kavkaz đồng thời hỗ trợ châu Âu thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch. Ngoài ra, thỏa thuận cũng sẽ giúp Gruzia trở thành một trung tâm năng lượng và kết nối với thị trường điện nội khối của EU đồng thời hỗ trợ quá trình tái thiết hệ thống năng lượng tại Ukraine. Thoả thuận cũng mang đến cho Gruzia cơ hội trở thành cửa ngõ năng lượng của khu vực; cho phép vận chuyển điện đến các nước láng giềng như Moldova, Ukraine, hỗ trợ việc hiện đại hóa mạng lưới năng lượng sau này.
Theo thỏa thuận vừa được ký kết, dự án đường dây tải điện 1.000 megawatt này có độ dài gần 1.200km, chạy từ Azerbaijan tới Romania. Quá trình nghiên cứu tính khả thi của dự án sẽ hoàn tất vào cuối năm sau và thời gian xây dựng đường dây tải điện có thể mất từ 3 đến 4 năm. Ngoài ra, EU cũng “bật đèn xanh” cho việc xây dựng tuyến cáp dài 1.195km dưới Biển Đen. Dự án sẽ bắt đầu triển khai từ đầu năm 2023, kết nối Azerbaijan và Hungary thông qua Romania và Gruzia, dự kiến hoàn thành sau 6 năm.
Thoả thuận trên được ký kết một ngày sau khi EU thông qua gói trừng phạt thứ 9 đối với Moscow. Gói trừng phạt thứ 9 của EU sẽ bao gồm việc hạn chế xuất khẩu các mặt hàng công nghệ có thể dùng trong quốc phòng của Nga. Ngoài ra, một số công nghệ hàng không vũ trụ cũng bị cấm xuất khẩu cho Moscow. Lệnh cấm của EU còn được mở rộng trong các lĩnh vực: Ngân hàng, truyền thông, năng lượng và khai khoáng. Lần gần nhất EU thông qua lệnh trừng phạt nhằm vào Nga là vào đầu tháng 10.
Moscow vẫn luôn cho rằng chính các lệnh trừng phạt từ phương Tây ảnh hưởng đến dòng chảy năng lượng từ Nga sang châu Âu. Theo hãng tin TASS của Nga, bình luận về gói trừng phạt thứ 9 của EU nhằm vào Nga, ngày 17-12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova nêu rõ về cơ bản, các biện pháp đơn phương này không mang lại điều gì mới cho quan hệ giữa Moscow và Brussels và sẽ chỉ gây thêm rắc rối cho chính EU. Với gói trừng phạt mới, các công dân EU phải đối mặt với tình trạng thiếu năng lượng và lạm phát leo thang. Phái bộ thường trực của Nga tại EU cũng đưa ra nhận định tương tự khi cho rằng gói trừng phạt thứ 9 “sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người dân châu Âu”.
Trong khi đó, theo Reuters, giới chức EU cũng cảnh báo liên minh ngày càng không còn cách để gây tổn hại cho kinh tế Nga. Thực tế là EU tránh nhắm vào khí đốt trong các gói trừng phạt do lo ngại giá năng lượng bị đẩy lên cao, và cũng tránh những lĩnh vực hoặc hàng hóa quan trọng với từng quốc gia thành viên của khối.
Còn về phần các nước EU, mỗi nước cũng đang tìm cách tự bảo đảm nguồn cung cho chính mình. Ngày 17-12, Đức đã khai trương cơ sở tiếp nhận khí hóa lỏng đầu tiên tại cảng Wilhelmshaven, bang miền Bắc Niedersachsen. Thủ tướng Olaf Scholz khẳng định nước Đức đang tiếp tục thúc đẩy việc xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng. Với các cơ sở tiếp nhận khí hóa lỏng đã và đang được triển khai xây dựng, nguồn cung cấp năng lượng của Đức sẽ không còn phụ thuộc vào các đường ống từ Nga.
Đối với Ba Lan, người dân nước này đang có xu hướng ủng hộ việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân như một giải pháp tối ưu. Theo một cuộc khảo sát do Bộ Khí hậu và Môi trường Ba Lan mới tiến hành, có tới 86,4% số người được hỏi ủng hộ việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân ở Ba Lan, trong khi đó chỉ có 10% phản đối kế hoạch này. Trong đó, gần 90% cho rằng năng lượng hạt nhân có lợi trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và năng lượng hạt nhân ở Ba Lan sẽ tăng cường an ninh năng lượng của đất nước.
Ý kiến ()