EU và Nga vẫn đang nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác
Dù đang thực hiện một số biện pháp trừng phạt lẫn nhau nhưng quan hệ giữa Nga và Liên minh châu Âu vẫn có những cơ hội thúc đẩy hợp tác.
Nhìn vào bức tranh trong quan hệ giữa Nga với Liên minh châu Âu (EU) hiện nay, dư luận quốc tế đều thấy rất rõ là EU và Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga kể từ tháng 3/2014 sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Ngược lại Nga cũng áp dụng các biện pháp trừng phạt đáp trả đối với EU.
Tuy nhiên, có điểm khác biệt so với Mỹ là quan hệ giữa Nga-EU không “chạm đáy” như thời kỳ chiến tranh lạnh, mà vẫn có những “khoảng trống” để hai bên có thể có sự hợp tác nhất định trong lĩnh vực quân sự, kinh tế và xã hội.
Chẳng hạn, Nga đang cùng với Đức tiến hành xây dựng đường ống dẫn khí đốt Phương Bắc 2 hoặc Nga cùng với EU thống nhất duy trì thỏa thuận hạt nhân với Iran cho dù Mỹ đã rút khỏi thảo thuận này.
Chính vì vậy mà ngày 28/2, một dự thảo chiến lược của EU đối với Nga đã được công bố tại hội nghị về mối quan hệ giữa hai bên do Liên minh Tự do và Dân chủ châu Âu (ALDE) tổ chức.
Trình bày tài liệu trước Nghị viện châu Âu, ALDE kêu gọi thiết lập một chiến lược hợp tác của EU đối với Nga nhằm cho phép EU khôi phục cấu trúc an ninh của châu Âu và mở rộng mối quan hệ song phương với Nga.
Trong khi đó, Đại sứ EU tại Nga Markus Ederer tuyên bố với báo giới trong chuyến thăm thành phố Tomsk của Nga hôm 8/10 rằng “EU đang nỗ lực hợp tác với Nga trong các lĩnh vực mà cả hai bên cùng quan tâm”.
Ông Markus Ederer nêu rõ bất chấp các lệnh trừng phạt và trả đũa lẫn nhau, EU và Nga vẫn duy trì một số lĩnh vực hợp tác, được gọi là “đảo hợp tác” như hợp tác liên vùng, hợp tác xuyên biên giới, hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học, thậm chí trao đổi sinh viên…
Cùng ngày, phát biểu tại cuộc họp báo chung sau hội đàm ở thủ đô Moscow (Nga) với người đồng cấp Italy Enzo Moavero Milanesi, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh: “Nga mong muốn EU vững mạnh, hành động với tư cách một đối tác có thể dự đoán, thực dụng và thực thi chính sách đối ngoại dựa trên cơ sở các lợi ích của châu Âu, lợi ích của những nước gia nhập EU… Do đó, đối thoại giữa Nga và EU cần được khôi phục và tăng cường”.
Điều đó cho thấy cả Nga và EU đều coi đối thoại là mục tiêu chính nhằm từng bước giải quyết các bất đồng và hợp tác vẫn là nhân tố then chốt để tạo dựng bầu không khí hòa bình, hữu nghị , ổn định của Nga và EU nói riêng, cả châu Âu nói chung.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()