EU và Iran sẽ hình thành cơ chế thương mại đặc biệt
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran hồi tháng 5 và bắt đầu tái áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào nước này kể từ tháng 12 đã đặt ra những thách thức không nhỏ cho Tehran lẫn Liên minh châu Âu (EU).
Cơ chế được mang tên “Phương tiện vì mục đích đặc biệt” (SPV) sẽ giúp bảo vệ các lợi ích kinh tế mà Iran nhận được để đổi lại việc Tehran hạn chế chương trình hạt nhân của mình theo thỏa thuận được ký với các cường quốc vào năm 2015.
Ngày 10/12, trả lời báo chí sau cuộc họp với các ngoại trưởng của EU tại Brussels, đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini bày tỏ hy vọng SPV sẽ được triển khai trong những tuần tới, tức là trước khi kết thúc năm 2018, nhằm bảo vệ và thúc đẩy quan hệ kinh doanh hợp pháp với Iran.
Bà Federica Mogherini không đưa ra thêm bất kỳ chi tiết nào nhưng cho biết việc chuẩn bị cho cơ chế này đang “tiến triển tốt”.
Trong quá trình thảo luận, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Iran (CBI) Abdolnaser Hemmati cũng cho biết: “Kênh này sẽ được thiết lập dựa trên sự hiểu biết chung rằng các doanh nghiệp Iran và châu Âu mong muốn duy trì quan hệ bất chấp các biện pháp trừng phạt của Mỹ”. Theo ông Hemmati, kênh thanh toán sẽ giúp cho hoạt động giao dịch giữa các doanh nghiệp Iran và châu Âu trở nên dễ dàng hơn. Các doanh nhân có thể sử dụng kênh này để chuyển tiền.
Hôm 24/11, trang mạng Eghtesadonline cho biết kim ngạch trao đổi thương mại giữa Iran với EU trong giai đoạn từ tháng 1-9/2018 tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt khoảng 13,89 tỷ euro (16,89 tỷ USD). Trong đó, 5 nước thành viên EU có trao đổi thương mại lớn nhất với Iran bao gồm Italy, Tây Ban Nha, Đức, Pháp, Hy Lạp và có kim ngạch thương mại song phương lần lượt là 3,78 tỷ euro, 2,31 tỷ euro, 2,28 tỷ euro, 2,25 tỷ euro và 1,11 tỷ euro.
Trong 9 tháng đầu năm 2018, Iran đã xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá 8,3 tỷ euro tới các nước thành viên EU, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Iran bao gồm nhiên liệu hóa thạch, dầu mỏ và các sản phẩm chưng cất và sáp khoáng, quặng sắt và thép, các loại trái cây và hạt…
Còn nhập khẩu của Iran từ EU trong giai đoạn 9 tháng đầu năm 2018 giảm 8% so với cùng kỳ năm trước, ở mức hơn 6,59 tỷ euro. Các mặt hàng Iran nhập khẩu chính từ EU gồm có lò phản ứng hạt nhân, nồi hơi, máy móc, thiết bị cơ khí và các bộ phận, máy móc và thiết bị điện…
Theo Chinhphu
Ý kiến ()