EU triển khai Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon giai đoạn 1
Liên minh châu Âu (EU) chính thức triển khai Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) giai đoạn 1, còn gọi là giai đoạn chuyển tiếp, nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh của khối.
Reuters đưa tin, ngày 1-10, EU đã khởi động giai đoạn đầu tiên của CBAM-cơ chế đầu tiên trên thế giới áp đặt thuế carbon đối với thép, xi măng và các hàng hóa khác nhập khẩu trong bối cảnh khối này cố gắng ngăn chặn nhiều sản phẩm nước ngoài gây ô nhiễm, làm suy yếu quá trình chuyển đổi xanh của mình.
Trong giai đoạn chuyển tiếp, EU sẽ chỉ áp dụng CBAM đối với nhập khẩu xi măng, sắt, thép, nhôm, phân bón, điện và hydro. Các nhà nhập khẩu những hàng hóa đó của EU sẽ phải báo cáo về khối lượng nhập khẩu và lượng phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất, nhưng không phải trả bất kỳ khoản phí nào ở giai đoạn này. Các nhà nhập khẩu được yêu cầu thu thập dữ liệu của quý IV-2023 và nộp báo cáo đầu tiên trước ngày 31-1-2024.
Thép nằm trong danh sách hàng hóa nhập khẩu áp dụng CBAM của EU. Ảnh: Getty Images |
Giai đoạn chuyển tiếp là giai đoạn làm quen của tất cả các bên liên quan, bao gồm nhà nhập khẩu, nhà sản xuất và cơ quan chức năng. Giai đoạn này cho phép Ủy ban châu Âu (EC) thu thập thông tin về lượng khí thải tạo ra đối với hàng hóa nhập khẩu để chuẩn bị cho giai đoạn chính thức áp dụng CBAM, dự kiến bắt đầu vào năm 2026. Khi đó, các nhà nhập khẩu sẽ phải mua “chứng chỉ khí thải CBAM” theo mức giá carbon hiện hành tại EU, nếu lượng khí thải của hàng hóa nhập khẩu vượt quá tiêu chuẩn của khối.
Để giúp các nhà nhập khẩu EU và các cơ sở ngoài EU thực hiện những quy định mới, EC cũng đang dần cung cấp hướng dẫn chi tiết bằng văn bản, tài liệu đào tạo trực tuyến, bảng thông tin cụ thể theo ngành và danh sách kiểm tra từng bước để hỗ trợ các doanh nghiệp. Những đánh giá về phạm vi sản phẩm của CBAM trong giai đoạn chuyển tiếp sẽ được kết luận trước khi bắt đầu áp dụng chính thức.
Tháng 12-2022, các quốc gia thành viên EU thông báo sẽ thực hiện CBAM. Theo đó, EU tiến hành đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại. CBAM được coi là công cụ mang tính bước ngoặt của EU nhằm chống rò rỉ carbon và là một trong những trụ cột trung tâm trong Chương trình Nghị sự 55 đầy tham vọng của EU nhằm cắt giảm 55% lượng khí thải ròng của khối vào năm 2030 so với mức của năm 1990. Việc áp dụng CBAM sẽ giúp cân bằng giá carbon giữa sản phẩm nội địa và nhập khẩu. Điều này sẽ bảo đảm rằng các chính sách về khí hậu của EU không bị ảnh hưởng do việc thay thế các sản phẩm nội địa bằng hàng nhập khẩu thải nhiều carbon hơn, hoặc trong trường hợp các doanh nghiệp châu Âu chuyển hoạt động sản xuất sang các quốc gia có tiêu chuẩn xanh ít tham vọng hơn.
Ông Paolo Gentiloni, Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của EU cho biết, CBAM được áp dụng nhằm kích thích phong trào toàn cầu hướng tới sản xuất xanh hơn và ngăn chặn tình trạng các nhà sản xuất ở châu Âu chuyển hoạt động sản xuất đến các nước có tiêu chuẩn môi trường thấp hơn. Điều này cũng giúp các nhà sản xuất châu Âu không bị thụt lùi trước các đối thủ nước ngoài trong khi đầu tư góp phần đáp ứng các mục tiêu khí hậu của EU. Ông Gentiloni lưu ý, CBAM phù hợp với những quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ở chỗ cơ chế này đưa ra tiêu chuẩn công bằng với các công ty trong và ngoài nước cũng như cho phép khấu trừ phí biên giới carbon đối với bất kỳ sản phẩm nào đã được trả phí ở nước ngoài. “CBAM không phải là bảo hộ thương mại. Đó là cơ chế bảo vệ tham vọng về khí hậu của EU và tìm cách nâng cao mức độ tham vọng về khí hậu trên toàn thế giới”, ông Gentiloni chia sẻ với hãng tin Reuters.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/tin-tuc/eu-trien-khai-co-che-dieu-chinh-bien-gioi-carbon-giai-doan-1-745175
Ý kiến ()