EU trao hơn 200 suất học bổng thạc sỹ cho các nước ASEAN
Với các suất học bổng toàn phần này, sinh viên sẽ có thể theo học chương trình thạc sỹ trong vòng tối đa hai năm tại ít nhất hai trường đại học ở hai quốc gia châu Âu khác nhau.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ngày 8/9 thông báo 205 sinh viên đến từ các nước trong khu vực đã nhận được học bổng thạc sỹ liên kết Erasmus Mundus bắt đầu từ năm học 2020.
Đây là số lượng học bổng Erasmus Mundus cao kỷ lục.
Với các suất học bổng toàn phần này, sinh viên sẽ có thể theo học chương trình thạc sỹ trong vòng tối đa hai năm tại ít nhất hai trường đại học ở hai quốc gia châu Âu khác nhau.
Bất chấp đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, hầu hết những người nhận được học bổng sẽ khởi hành đến châu Âu để bắt đầu nhập học trong học kỳ mùa Thu này. Trong một số trường hợp đặc biệt, các khóa học sẽ bị hoãn lại tới năm sau.
Trong một thông cáo báo chí, Đại sứ EU tại ASEAN Igor Driesmans bày tỏ vui mừng nhận thấy sinh viên ASEAN quan tâm đến việc học tập ở châu Âu bất chấp đại dịch COVID-19, đồng thời khẳng định rằng Erasmus Mundus mang đến cơ hội phát triển học thuật và chuyên môn tại các trường đại học chất lượng hàng đầu châu Âu cho những người được trao học bổng.
Theo Phái đoàn EU tại ASEAN, trong giai đoạn 2014-2020, EU đã trao học bổng Erasmus Mundus cho hơn 900 sinh viên và giảng viên tại các nước ASEAN. Số người nhận giải thưởng Erasmus Mundus cao nhất đến từ Philippines, tiếp đó là Indonesia và Việt Nam.
Ngoài ra, chương trình học bổng Erasmus Mundus cũng cung cấp nhiều công cụ đa dạng nhằm hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học thông qua chương trình Xây dựng năng lực giáo dục đại học (CBHE), thúc đẩy Nghiên cứu châu Âu thông qua chương trình Jean Monnet và trao đổi sinh viên và học giả ngắn hạn thông qua chương trình ICM.
Kể từ năm 2014, hơn 5.500 sinh viên và giáo viên các trường đại học ASEAN đã nhận được học bổng ICM để theo đuổi các nghiên cứu và giảng dạy ngắn hạn tại các trường đại học châu Âu.
Ngược lại, gần 3.000 sinh viên và giáo viên châu Âu đã theo học và giảng dạy ngắn hạn tại các quốc gia thành viên ASEAN theo chương trình ICM.
Đại sứ Driesmans cũng cho biết chương trình học bổng Erasmus Mundus tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của EU trong việc hỗ trợ sự di chuyển của sinh viên và học giả, và tăng cường chất lượng của cơ sở giáo dục đại học ASEAN – điều càng trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Cũng theo nhà ngoại giao này, ngoài chương trình Erasmus Mundus, EU còn hỗ trợ ASEAN thúc đẩy hợp tác khu vực và nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh và quốc tế hóa của các cơ sở giáo dục đại học ASEAN thông qua Chương trình hỗ trợ giáo dục đại học tại khu vực ASEAN (SHARE).
Kể từ năm 2015, SHARE đã trao 489 suất học bổng cho sinh viên từ 8 nước trong khu vực theo học các khóa học ngắn hạn tại 32 trường đại học ASEAN./.
Ý kiến ()