EU tìm giải pháp khắc phục tình trạng lạm phát và nợ công tăng cao
Uỷ viên châu Âu phụ trách các vấn đề kinh tế Paolo Gentiloni. (Ảnh: Reuters) |
Theo số liệu do Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), lạm phát tại 19 nước thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 10 vừa qua đã tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2020, mức cao nhất kể từ tháng 9/2008. Nguyên nhân khiến lạm phát tháng 10 tăng mạnh là do giá năng lượng tăng 23,5% trong bối cảnh các kinh tế phục hồi nhanh chóng sau đại dịch, kéo theo nhu cầu nhảy vọt.
Trước đó, tháng 9 vừa qua, lạm phát tại khu vực này tăng 3,4%. Sự gia tăng lạm phát chủ yếu là do giá năng lượng tăng cao bởi nhu cầu cao và sự thiếu hụt nguồn cung.
“Lạm phát tăng nhanh hơn dự kiến”, Uỷ viên châu Âu phụ trách các vấn đề kinh tế Paolo Gentiloni cho hay. Các Bộ trưởng EU bắt đầu lo ngại rằng lạm phát gia tăng sẽ khiến tiền lương tăng mạnh hơn, kéo theo vòng xoáy lạm phát.
Cho đến nay, Ngân hàng Trung ương (ECB) vẫn ước tính lạm phát ở Eurozone sẽ là 2,2% trong cả năm, mặc dù Chủ tịch ECB Christine Lagarde đã thừa nhận vào cuối tháng 9/2021 về khả năng lạm phát có thể còn cao hơn. Tuy nhiên, bà Christine Lagarde cho rằng, tình trạng giá cả gia tăng gần đây ở nhiều nước thuộc khu vực Eurozone chỉ là hậu quả tạm thời của sự gián đoạn kinh tế và chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn do tình trạng khủng hoảng y tế toàn cầu gây ra.
Tại cuộc họp chính sách vừa qua, ECB quyết định duy trì lãi suất đối với các hoạt động tái cấp vốn ở mức 0%, lãi suất cho vay ở mức 0,25% và lãi suất tiền gửi là -0,5%. Các thống đốc ECB cũng nhất trí giữ nguyên chương trình khẩn cấp thu mua trái phiếu trong đại dịch (PEPP) trị giá 1.850 tỷ euro.
Ông Paolo Gentiloni cũng nhận định, giá cả tăng cao là do chịu ảnh hưởng của những yếu tố mang tính tạm thời, song xu hướng này có thể giảm trong nửa đầu năm 2022. Ông Gentiloni cho rằng, những nút thắt về nguồn cung sẽ dần được gỡ bỏ, theo đó lạm phát sẽ trở lại dưới 2% và giá năng lượng sẽ giảm dần và ổn định trong năm tới.
Ông Paolo Gentiloni khẳng định các nước cần nghiêm túc tìm cách kiềm chế mức nợ công cao, đặc biệt không nên gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Theo ông Gentiloni, mặc dù các nước EU chưa đạt được sự đồng thuận trong hành động, nhưng đều có nhận thức chung rằng mức nợ công cao là một vấn đề cần giải quyết.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde đánh giá, nền kinh tế Eurozone đang phục hồi sau cuộc đại suy thoái về kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra nhờ chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19 đang được triển khai rộng rãi. Chủ tịch ECB Christine Lagarde nhấn mạnh, nền kinh tế của khu vực sẽ quay trở lại mức trước đại dịch trong quý I/2022./.
Ý kiến ()