EU thúc đẩy năng lực tự chủ quốc phòng
Ngày 16-12, Cơ quan Quốc phòng châu Âu (EDA) tuyên bố, các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) cần tăng cường mua sắm vũ khí chung để bổ sung cho kho dự trữ hiện bị hao hụt nhiều sau một thời gian viện trợ cho Ukraine.
Reuters dẫn lời ông Jiri Sedivy, Giám đốc điều hành EDA cho biết, chiến sự Nga-Ukraine đã làm “bộc lộ sự thiếu hụt năng lực phòng thủ quan trọng” để EU có thể tự bảo vệ mình trước các mối đe dọa ở cấp độ cao hơn.
EDA bao gồm 26/27 nước thành viên EU, ngoại trừ Đan Mạch. Hiện cơ quan này đang đàm phán với các công ty vũ khí của châu Âu về việc thúc đẩy sản xuất, đồng thời hối thúc các nước thành viên EU liên kết cùng nhau mua sắm trang bị, vũ khí, đạn dược. “Mỹ chắc chắn sẽ can dự vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương và không thể cung cấp cho EU một số hỗ trợ thiết yếu như không vận chiến lược, máy bay trinh sát, tên lửa dẫn đường chính xác và hệ thống phòng không”, Reuters dẫn lời ông Sedivy.
Xe tăng tại căn cứ quân sự Bundeswehr ở Munster, miền Bắc nước Đức chuẩn bị được vận chuyển đến Lithuania, ngày 14-2. Ảnh: AP |
Giới nghiên cứu đều có chung nhận định rằng nhiều năm qua, EU đã có một cách tiếp cận rời rạc đối với vấn đề phòng thủ chung, trong bối cảnh mỗi quốc gia thành viên chỉ quan tâm đến việc trang bị cho quân đội của riêng mình, dẫn đến việc tạo ra một loạt vũ khí và thiết bị “không tương thích” khi cần phối hợp cùng nhau.
Theo báo cáo dữ liệu quốc phòng hằng năm được công bố tại hội nghị thường niên của EDA mới đây, năm 2021, EU đã chi 214 tỷ euro cho quốc phòng, tăng 6% so với năm trước đó và là lần đầu tiên vượt mốc 200 tỷ euro. Trong đó, các quốc gia thành viên EU đã chi 52 tỷ euro cho các hoạt động mua sắm, nghiên cứu và phát triển (R&D), cũng là mức cao nhất mọi thời đại với 24% tổng chi đầu tư quốc phòng, so với 16% năm 2020.
Tuy nhiên, EU còn đang nhắm tới mục tiêu cao hơn là tăng 70 tỷ euro chi tiêu quốc phòng trong 3 năm tới, đồng thời gấp rút thúc đẩy nhiều hoạt động mua sắm chung giữa các nước thành viên. Thừa nhận rằng mục tiêu này là một thách thức, Đại diện cấp cao của EU phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại Josep Borrell cảnh báo, việc mỗi quốc gia thành viên chỉ tập trung vào các ưu tiên quốc phòng của mình dựa trên các thương vụ mua sắm vũ khí sẵn có sẽ chỉ làm tăng thêm “bối cảnh năng lực phòng thủ rời rạc của EU hiện tại”.
Các nước thành viên EDA cũng đã chi nhiều tiền hơn cho các dự án mua sắm chung, tăng từ 11% lên 18%, nhưng vẫn thấp hơn nhiều mức mục tiêu 35%. Trung bình, mỗi quốc gia thành viên EDA mới chi 1,5% GDP cho quốc phòng. Từng ví quân đội của EU với “những cây bonsai”, ý muốn nói rằng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, EU đã thu các lực lượng quân sự thành những “phiên bản thu nhỏ” và không có bất kỳ sự phối hợp chung nào với nhau, giờ đây, ông Borrell phải thốt lên: “Chúng ta không thể lặp lại những sai lầm trong quá khứ”.
Dĩ nhiên, không phải cứ muốn là được. Phát biểu trên tờ Politico, ông David Chour, giám đốc tài chính của nhà sản xuất vũ khí lớn nhất Cộng hòa Séc, Czechoslovak Group, cho biết: “Vấn đề của ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu là đã quen với việc sản xuất vũ khí phức tạp với số lượng rất nhỏ trong một thời gian dài, phù hợp với tình hình thời bình… Nhưng môi trường an ninh đã thay đổi, giờ thì EU cần đầu tư hàng tỷ euro”. Đương nhiên các dự án sản xuất vũ khí đòi hỏi khá nhiều thời gian, nên rõ ràng không thể chỉ trong một sớm một chiều mà EU có thể lấp đầy kho dự trữ vũ khí của mình.
Theo một báo cáo của Nghị viện châu Âu (EP), nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ, EU sẽ phải vật lộn để tự vệ trong tình trạng khối này đang thiếu hụt trầm trọng những thông tin tình báo, các loại máy bay trinh sát, hệ thống phòng thủ tên lửa tầm trung, cũng như các loại tàu đổ bộ và tàu ngầm.
Ý kiến ()