EU: Thống nhất tương thích các ứng dụng truy dấu các ca mắc COVID-19
Hiện các ứng dụng truy dấu COVID-19 của mỗi nước thành viên EU được cài đặt một cách tự nguyện và sẽ tự động gỡ bỏ khi đại dịch kết thúc, tuy nhiên cũng có thể được người sử dụng gỡ bỏ bất cứ lúc nào.
Lực lượng an ninh kiểm tra các phương tiện lưu thông tại trạm kiểm soát được thiết lập ở Bad Reichenhall, miền Nam Đức, giáp giới Áo.
Các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) mới đây đã thống nhất về một giải pháp kỹ thuật cho phép có sự tương thích giữa các ứng dụng truy dấu các ca mắc dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của các nước thành viên.
Hiện các ứng dụng truy dấu COVID-19 của mỗi nước thành viên EU được cài đặt một cách tự nguyện và sẽ tự động gỡ bỏ khi đại dịch kết thúc, tuy nhiên cũng có thể được người sử dụng gỡ bỏ bất cứ lúc nào.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu ngày 17/6, giải pháp kỹ thuật trên dựa trên một cấu trúc phân cấp, giúp tạo sự tương thích giữa các ứng dụng truy dấu hiện hành của các quốc gia thành viên cũng như các ứng dụng trong tương lai của EU.
Một khi giải pháp kỹ thuật truy dấu COVID-19 của EU được triển khai, các ứng dụng truy dấu của các quốc gia trong khối sẽ được vận hành bình thường như cũ, cho dù người sử dụng đi từ nước này sang nước khác trong EU.
Trao đổi với báo giới, Cao ủy châu Âu phụ trách thị trường nội địa Thierry Breton nhấn mạnh trong bối cảnh mùa du lịch đang đến gần, vấn đề cấp bách lúc này là đảm bảo cho người châu Âu có thể sử dụng ứng dụng truy dấu COVID-19 tại nơi họ tới du lịch như họ đang dùng ở trong nước.
Theo quan chức này, các ứng dụng truy dấu COVID-19 đặc biệt quan trọng trong bối cảnh các nước thành viên EU đã dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa.
Trong diễn biến khác, trong bài viết với tiêu đề “Hãy đoàn kết, chúng ta có thể làm được nhiều điều hơn” được đăng trên trang mạng euractiv.com ngày 17/6, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho rằng khủng hoảng dịch COVID-19 là thách thức lớn, song có thể tạo động lực cho sự phát triển của châu Âu.
Thủ tướng Morawiecki nhấn mạnh cuộc khủng hoảng hiện nay có thể là “bước ngoặt lớn trong lịch sử EU” và cần nhớ rằng quỹ phục hồi của khối phải thích ứng với tất cả các vấn đề kinh tế thực sự, sự mong đợi và nhu cầu cụ thể của các nước thành viên.
Ông kêu gọi EU cần phản ứng một cách quyết liệt trước tác động kinh tế của dịch COVID-19. Theo ông, khủng hoảng dịch COVID-19 sẽ tạo đòn bẩy cho sự phát triển ở châu Âu và nhiệm vụ quan trọng nhất là cần tạo ra một xung lực đầu tư mạnh mẽ ở cấp độ EU.
Tháng trước, EU đã công bố đề xuất kế hoạch thành lập quỹ phục hồi kinh tế trị giá 750 tỷ euro để hỗ trợ nền kinh tế các nước thành viên, trong đó dự kiến phân bổ 63 tỷ euro cho Ba Lan.
Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu Urula von der Leyen, kế hoạch này nhằm biến thách thức thành cơ hội thông qua việc không chỉ hỗ trợ phục hồi kinh tế mà còn đầu tư cho sự phát triển trong tương lai của các nước thành viên./.
Ý kiến ()