EU tăng cường hợp tác với châu Phi
Với tham vọng củng cố và phát huy mối quan hệ chung quanh ba mục tiêu thịnh vượng, an ninh và giao thông, Liên minh châu Âu (EU) lên kế hoạch cho các dự án với sự tham vấn chặt chẽ của các quốc gia châu Phi nhằm đáp ứng kỳ vọng của “Lục địa đen” về đầu tư, cơ sở hạ tầng, y tế, giao thông, an ninh và giáo dục.
EU đang thúc đẩy thỏa thuận mới về kinh tế và tài chính với châu Phi, hỗ trợ châu lục này trong các chính sách phục hồi sau đại dịch Covid-19. Lãnh đạo các quốc gia thành viên EU muốn tài trợ cho các nền kinh tế châu Phi, trong đó ưu tiên cho đào tạo và việc làm của thanh niên. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen (U.Lây-en) đã công bố kế hoạch huy động gói đầu tư trị giá hơn 150 tỷ euro cho châu Phi, qua đó khẳng định châu Âu là đối tác lớn nhất và đáng tin cậy nhất của châu lục này. Khoản đầu tư này là kế hoạch đầu tiên trong dự án chiến lược kết nối toàn cầu của EU có tên gọi “Cửa ngõ toàn cầu” (Global Gateway). Ðược giới thiệu lần đầu tiên vào tháng 12/2021, Chương trình Global Gateway dành riêng cho các khoản đầu tư vào châu Phi trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng chiến lược (đường bộ, đường sắt …), cơ sở hạ tầng công nghiệp, y tế, kỹ thuật số, thanh niên…
Theo một tài liệu của Ủy ban châu Âu (EC), EU đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ huy động được các khoản quỹ đầu tư cho châu Phi. Các khoản đầu tư sẽ được giải ngân cho các dự án năng lượng tái tạo, giảm nguy cơ từ các thảm họa tự nhiên, mở rộng mạng lưới internet, các tuyến đường vận tải, sản xuất vắc-xin và giáo dục tại châu Phi. Căn cứ vào nhu cầu của châu Phi, châu Âu sẽ tăng đáng kể đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi kỹ thuật số và phát triển sản xuất lương thực.
Một trong những lĩnh vực mà EU muốn đẩy mạnh hỗ trợ châu Phi là y tế, trong bối cảnh châu lục này đang chật vật đối phó đại dịch Covid-19. EU đang làm việc với các bên liên quan của châu Phi để đẩy nhanh việc triển khai nguồn cung các loại vắc-xin ngừa Covid-19 và đóng góp vào việc chuyển giao công nghệ và phát triển sản xuất vắc-xin trên “Lục địa đen” (sáng kiến MAV ). Trước thực tế số vắc-xin ngừa Covid-19 mà EU hỗ trợ châu Phi còn quá ít ỏi, EU và Quỹ Gates đang lên kế hoạch về gói tài chính hỗ trợ các hoạt động tại châu Phi nhằm thúc đẩy ngành sản xuất dược phẩm và vắc-xin tại lục địa này phát triển.
Thỏa thuận thành lập của Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Phi (AMA) vốn đã đi vào hiệu lực từ tháng 11/2021, tuy nhiên cơ quan này hiện mới chỉ tồn tại trên giấy. Những quyết định về bộ máy lãnh đạo và địa điểm đặt trụ sở của AMA dự kiến sẽ được công bố trong năm nay. Vấn đề hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho cơ quan tương lai này được coi là yếu tố đặc biệt quan trọng để giúp AMA khởi động, qua đó mở ra hy vọng thúc đẩy ngành công nghiệp dược phẩm và vắc-xin tại châu Phi. Theo kế hoạch, Ủy ban châu Âu (EC) cùng chính phủ các nước Ðức, Pháp, Bỉ và Quỹ Gates sẽ đầu tư hơn 100 triệu euro để hỗ trợ AMA và các cơ quan quản lý dược phẩm thuộc các quốc gia châu Phi. Mục tiêu là nhằm giúp các cơ quan này đạt được những tiêu chuẩn mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) quy định trong cấp độ 3 về sản xuất vắc-xin, vốn được xem là yêu cầu tối thiểu của WHO trong giám sát và quản lý hiệu quả về chất lượng sản xuất vắc-xin tại địa phương.
Trong bối cảnh sự ổn định của châu Âu gắn liền với hòa bình và an ninh ở châu Phi, EU đặt mục tiêu tăng cường hỗ trợ các nỗ lực của châu Phi chống khủng bố, thông qua các hoạt động gìn giữ hòa bình cũng như xây dựng năng lực. Trong khi đó, nhằm ngăn chặn làn sóng người di cư từ châu Phi tìm kiếm “miền đất hứa” ở châu Âu, EU cũng đặt mục tiêu thúc đẩy đi lại và di cư hợp pháp, chống di cư bất hợp pháp và tăng cường các cơ chế hồi hương.
Ý kiến ()