EU siết chặt trừng phạt I-ran
* Nga không có kế hoạch cho Tổng thống Xy-ri tị nạn Theo AFP, ngày 23-12, lệnh trừng phạt mới của Liên hiệp châu Âu (EU) nhằm vào các lĩnh vực công nghiệp, ngân hàng và hàng hải của I-ran chính thức có hiệu lực. Theo đó, cấm các công ty châu Âu thực hiện giao dịch tài chính với Tê-hê-ran, bán sắt thép và các vật liệu xây dựng hàng hải hay mua khí đốt tự nhiên từ ngày 22-12. Lệnh cấm không áp dụng đối với hoạt động hỗ trợ nhân đạo hay mua thực phẩm, thuốc men. Biện pháp trừng phạt nghiêm khắc này được đưa ra tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao EU ngày 15-10, nhằm buộc I-ran nhượng bộ về chương trình hạt nhân.Tân Hoa xã cùng ngày nhận định, đây là gói biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhất mà EU đặt ra cho I-ran, đánh dấu sự thay đổi chính sách của khối này với Tê-hê-ran. Biện pháp trừng phạt trước đó của EU chủ yếu là trừng phạt kinh tế nhằm vào các công ty hay cá nhân đặc biệt do lo ngại những ảnh hưởng đối với người dân I-ran.*...
Tân Hoa xã cùng ngày nhận định, đây là gói biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhất mà EU đặt ra cho I-ran, đánh dấu sự thay đổi chính sách của khối này với Tê-hê-ran. Biện pháp trừng phạt trước đó của EU chủ yếu là trừng phạt kinh tế nhằm vào các công ty hay cá nhân đặc biệt do lo ngại những ảnh hưởng đối với người dân I-ran.
* Theo Roi-tơ, Thủ tướng I-xra-en B.Nê-ta-ni-a-hu tuyên bố vấn đề hạt nhân của I-ran sẽ là quan tâm hàng đầu của Chính phủ I-xra-en nếu ông tái đắc cử trong cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn vào ngày 22-1-2013. Thủ tướng I-xra-en lo ngại I-ran sẽ có đủ lượng u-ra-ni cấp độ cao để chế tạo bom nguyên tử vào giữa năm tới và thúc giục cộng đồng quốc tế đặt ra “giới hạn đỏ” cho chương trình hạt nhân của Tê-hê-ran. I-ran thừa nhận làm giàu u-ra-ni cấp độ 20%, song khẳng định vì mục đích dân sự. Tuy nhiên, phương Tây lo ngại I-ran có thể làm giàu u-ra-ni cấp độ 90% để chế tạo bom nguyên tử.
* Hãng Roi-tơ đưa tin, Bộ trưởng Ngoại giao Nga X.La-vrốp tuyên bố, cuộc nội chiến tại Xy-ri đang lâm vào bế tắc và các nỗ lực quốc tế nhằm thuyết phục Tổng thống Xy-ri B.Át-xát từ chức cũng sẽ thất bại. Ông La-vrốp nhận định, không bên nào có thể giành thắng lợi trong cuộc chiến này và Nga từ chối yêu cầu của các nước trong khu vực muốn Mát-xcơ-va gây sức ép buộc Tổng thống Át-xát từ chức hoặc cho tị nạn. Theo đài Tiếng nói nước Nga, Nga và Trung Quốc phản đối kịch bản can thiệp từ bên ngoài vào Xy-ri và khuyến cáo Hội đồng Bảo an LHQ không nên đưa ra quyết định gây tranh cãi có thể dẫn đến sự lặp lại của kịch bản Li-bi.
* I-ran cảnh báo, việc NATO triển khai tên lửa tại khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ- Xy-ri là không có lợi cho an ninh Thổ Nhĩ Kỳ và có thể gây bất đồng giữa các nước láng giềng. Tân Hoa xã cho biết, theo Ủy ban An ninh quốc gia và chính sách đối ngoại I-ran, tất cả các nước láng giềng của Thổ Nhĩ Kỳ đều phản đối mạnh mẽ kế hoạch này và cho rằng sự có mặt của lực lượng nước ngoài tại đây sẽ gây ra các vấn đề cũng như bất đồng giữa các quốc gia Hồi giáo.
Theo Nhandan
Ý kiến ()