EU sẽ cho phép du khách tiêm đủ vaccine Covid-19 nhập cảnh
Liên hiệp châu Âu (EU) đã tiến một bước lớn nhằm nới lỏng các nguyên tắc cách ly cho du khách từ bên ngoài khối 27 quốc gia khi mùa du lịch hè đang tới gần. Các đại sứ EU ngày 19-5 đã nhất trí về các biện pháp cho phép các du khách đã tiêm phòng vaccine Covid-19 đầy đủ nhập cảnh.
Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) Christian Wigand thông báo, các đại diện của các quốc gia thành viên EU đã đạt được thỏa thuận (đồng ý cho du khách đã tiêm đủ vaccine Covid-19 nhập cảnh). Tuy nhiên, thỏa thuận này vẫn cần được Hội đồng châu Âu (EC) chính thức thông qua. Ông Wigand cho hay EC sẽ nhanh chóng chấp nhận thỏa thuận này.
Các đại sứ EU cũng đồng ý giảm bớt các tiêu chí cần thiết để công nhận một quốc gia được coi là an toàn Covid-19 và từ đó tất cả khách du lịch đều có thể đi du lịch, tùy thuộc vào diễn biến dịch và tình hình tiêm chủng của quốc gia đó.
Theo các tiêu chí hiện có, danh sách các quốc gia được coi là an toàn (danh sách xanh) hiện chỉ bao gồm bảy quốc gia là Australia, Israel, New Zealand, Rwanda, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan và Trung Quốc.
EU đã áp dụng các lệnh hạn chế đi lại không cần thiết từ tháng 3 năm ngoái để làm chậm sự lây lan của Covid-19. Các đại sứ của khối cho rằng nhiều biện pháp hạn chế trong số này cần được nới lỏng, bao gồm việc cho phép các công dân ngoài EU nhập cảnh du lịch.
Người phát ngôn EC Christian Wigand cho biết, Hội đồng châu Âu “sẽ khuyến nghị các quốc gia thành viên giảm bớt một số hạn chế hiện có” đối với những người đã được tiêm chủng.
Ủy ban châu Âu – cơ quan điều hành của EU – đã đề xuất nới lỏng các quy định nhập cảnh với công dân ngoài EU, nói rằng cần cấp phép nhập cảnh cho những cá nhân đã tiêm chủng đầy đủ vaccine Covid-19 do EU cấp phép. Hiện Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đã cấp phép các loại vaccine Covid-19 của Pfizer, Moderna, AstraZeneca và Johnson & Johnson.
EC cũng đề xuất cho phép các quốc gia thành viên EU tự đưa ra quyết định cho phép nhập cảnh đối với du khách đã tiêm các loại vaccine Covid-19 được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt sử dụng khẩn cấp, bao gồm vaccine Sinopharm của Trung Quốc.
Theo ông Wigand, các đại sứ cũng đồng ý về một cơ chế “ngừng khẩn cấp” để ngăn chặn các biến thể virus nguy hiểm xâm nhập vào các quốc gia EU. Cơ chế này cho phép nhanh chóng ban hành các lệnh hạn chế di nếu tình hình lây nhiễm Covid-19 xấu đi ở một quốc gia không thuộc EU.
Khi các biện pháp không ràng buộc được thông qua, các nước EU sẽ giữ khả năng áp dụng các biện pháp hạn chế đối với khách du lịch như xét nghiệm PCR hoặc cách ly.
Hiện, các quốc gia EU đang phải vật lộn trong khó khăn do đại dịch gây ra để hỗ trợ ngành du lịch quan trọng với nền kinh tế và hy vọng sẽ thu được chút doanh thu trong mùa du lịch hè cao điểm. EU kỳ vọng sẽ đạt được tỏa thuận về chứng nhận Covid-19 vào cuối tháng này nhằm bảo đảm hệ thống chứng nhận Covid-19 hoạt động vào cuối tháng 6.
Ngay sau thông báo trên của EC, Hiệp hội lữ hành Mỹ (UTA) đã ca ngợi động thái này và hối thúc chính phủ Mỹ cũng thông qua một cách tiếp cận tương tự nhằm cho phép nối lại ngành du lịch quốc tế.
Ông Roger Dow, Chủ tịch và giám đốc điều hành UTA nói rằng, “Hàng triệu việc làm liên quan đến du lịch tại Mỹ bị mất do đại dịch sẽ không thể trở lại chỉ nhờ vào sức mạnh của du lịch trong nước, vì vậy việc xác định con đường để mở lại du lịch quốc tế là điều cần thiết để phục hồi kinh tế nói chung”.
Ý kiến ()