EU ra phán quyết với Facebook vì phát ngôn thù hận
Quyết định này được coi là có lợi cho các nhà quản lý tại EU, những người có tham vọng buộc những gã khổng lồ về công nghệ Mỹ phải đáp ứng các tiêu chuẩn châu Âu, thắt chặt hơn về những nội dung mang tính kích động và thù địch.
Đây là phán quyết mới nhất trong vụ kiện của chính trị gia người Áo, Eva Glawischnig-Piesczek, người đã yêu cầu xóa bài các thẩm phán đăng công khai trên Facebook đã xúc phạm, làm tổn hại đến danh tiếng của mình.
Khiếu nại cũng liên quan đến các tin nhắn từ các tài khoản giả mạo, đã gọi Glawischnig-Piesczek là một người tham nhũng và mạng xã hội Facebook đã từ chối xóa các nội dung này. Tòa án cấp cao tại Áo đã đưa vụ kiện này lên tòa án tối cao EU để lấy ý kiến, ra phán quyết và không thể kháng cáo, phán quyết này sẽ được sử dụng như một tài liệu tham khảo trên toàn châu Âu.
Với quyết định này, Facebook và các nền tảng mạng xã hội khác phải đối mặt với những rắc rối mới đó là phải giám sát nội dung của mình và gỡ bỏ hoàn toàn nội dung bị coi là xúc phạm hay những nội dung thù hận, ngay cả từ các tài khoản giả mạo.
Facebook đã phản đối quyết định của Tòa án EU và cho rằng phán quyết sẽ làm suy yếu nguyên tắc lâu đời bởi một quốc gia không có quyền áp đặt quyền tự do ngôn luận đối với một quốc gia khác.
Điều này cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tự do bày tỏ nội dung, cũng như vai trò của các công ty công nghệ trong việc theo dõi nội dung hay gỡ bỏ những ngôn ngữ thù hận.
Cho đến nay, những gã khổng lồ công nghệ như: Google, đã đồng ý tự nguyện gỡ bỏ những nội dung mang tính thù địch, nguy hiểm và cả những nội dung liên quan đến khủng bố trong vòng 24 giờ.
EU dự kiến sẽ đề xuất các biện pháp cứng rắn hơn ở châu Âu, bao gồm cả phạt tiền nếu Facebook, các mạng xã hội và các nước khác không tuân thủ nguyên tắc.
Theo Nhandan
Ý kiến ()