EU nỗ lực khôi phục niềm tin sau vụ thịt bò giả
Lò mổ ở Ru-ma-ni bị kiểm tra vì tình nghi liên quan vụ bê bối thịt bò giả. Ảnh AP Vụ bê bối "treo đầu bò, bán thịt ngựa" đang gây phẫn nộ trong những người dân châu Âu vốn phải mang gánh nặng vì cuộc khủng hoảng nợ công dai dẳng chưa tìm ra lời đáp. Không chỉ các doanh nghiệp mà chính phủ nhiều nước đã nhanh chóng vào cuộc làm rõ vụ việc và tìm cách lấy lại niềm tin của người tiêu dùng tại châu lục vốn nổi tiếng khắt khe về các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm này.Sau khi một số sản phẩm dán mác "100% thịt bò" ở Ai-len bị phanh phui có chứa thịt ngựa, mỗi ngày số nước ở "lục địa già" phát hiện có thịt bò giả trên thị trường lại tăng lên. Đến nay, vụ bê bối thực phẩm này đã lan rộng ra gần 20 nước. Cơ quan chống gian lận thương mại của Pháp cho biết, khoảng 750 tấn thịt ngựa giả bò được tiêu thụ ngoài thị trường, trong đó 550 tấn dùng để chế biến thành khoảng 4,5 triệu sản phẩm thịt đông...
Lò mổ ở Ru-ma-ni bị kiểm tra vì tình nghi liên quan vụ bê bối thịt bò giả. Ảnh AP |
Sau khi một số sản phẩm dán mác “100% thịt bò” ở Ai-len bị phanh phui có chứa thịt ngựa, mỗi ngày số nước ở “lục địa già” phát hiện có thịt bò giả trên thị trường lại tăng lên. Đến nay, vụ bê bối thực phẩm này đã lan rộng ra gần 20 nước. Cơ quan chống gian lận thương mại của Pháp cho biết, khoảng 750 tấn thịt ngựa giả bò được tiêu thụ ngoài thị trường, trong đó 550 tấn dùng để chế biến thành khoảng 4,5 triệu sản phẩm thịt đông lạnh bán tại 13 nước châu Âu. Vụ việc trở nên nghiêm trọng hơn khi Cơ quan Tiêu chuẩn thực phẩm (FSA) của Anh thông báo tìm thấy thuốc thú y gây ảnh hưởng xấu sức khỏe người tiêu dùng trong loại thực phẩm giả danh này.
Dù nổi tiếng là thị trường khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm, đây không phải lần đầu châu Âu đối mặt các vụ bê bối nghiêm trọng liên quan vấn đề này. Năm 2011, “lục địa già” lao đao vì dưa chuột nhiễm khuẩn E.cô-li có nguồn gốc từ Tây Ban Nha, làm ít nhất mười người chết và hàng trăm người bị bệnh tại nhiều nước châu Âu. Trước đó, Nga và nhiều nước khác trên thế giới áp đặt lệnh cấm nhập khẩu thịt bò từ Anh sau khi bệnh bò điên bùng phát ở nước này năm 1996. Vụ bê bối chất lượng thực phẩm lần này đã làm chấn động châu Âu hơn một tuần qua, gây tâm lý hoang mang, giận dữ cho nhiều người tiêu dùng. Trong một cuộc khảo sát mới đây, có tới một phần ba số người Anh được hỏi cho biết đã tẩy chay các loại thực phẩm chế biến sẵn. Hơn một nửa số dân “xứ sở sương mù” ủng hộ việc cấm nhập khẩu tất cả các sản phẩm chế biến từ thịt bò trước khi vấn đề xuất xứ được bảo đảm. Tại một số nước như Ai-len, Anh, Pháp, nơi việc ăn thịt ngựa không được ủng hộ, sự phẫn nộ của người dân không dừng lại ở vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy quá trình điều tra chưa kết thúc, nhiều chuyên gia khẳng định, vụ việc chắc chắn gây không ít tác động tiêu cực ngành công nghiệp thực phẩm châu Âu.
Trước thực trạng đáng lo ngại này, doanh nghiệp và chính phủ các nước liên quan đã nhanh chóng điều tra, trấn an người tiêu dùng và bình ổn thị trường. Nhiều sản phẩm thịt bò được bày bán trong siêu thị bị thu hồi. Anh, một trong những nước phát giác sớm nhất hoạt động kinh doanh thiếu trung thực trên, đang tiếp tục mở rộng công tác kiểm tra các sản phẩm từ thịt, trong đó có các loại đồ ăn chế biến sẵn. Tính đến nay, hầu hết siêu thị tại Anh và một số công ty thực phẩm đã được chứng minh có liên quan vụ bê bối này. 11 nhà cung cấp thực phẩm lớn tại “xứ sở sương mù” lên tiếng xin lỗi người tiêu dùng, cam kết tăng cường an toàn vệ sinh thực phẩm và nỗ lực giải quyết vụ việc. Thủ tướng Anh Đ.Ca-mê-rôn khiển trách gay gắt các hãng bán lẻ liên quan. Các quốc gia khác như Đức, Pháp, Thụy Sĩ, Đan Mạch… cũng kiểm tra gắt gao những sản phẩm bị nghi ngờ có chứa thịt ngựa giả thịt bò.
Trong nỗ lực giải tỏa lo ngại của người tiêu dùng về chất lượng thực phẩm, Liên hiệp châu Âu (EU) đã tiến hành xét nghiệm ADN tất cả sản phẩm thịt để xác định có thịt ngựa pha trộn và chất cấm hay không. Hơn hai nghìn mẫu thịt sẽ được xét nghiệm ADN và trình kết quả lên Ủy ban châu Âu ngày 15-4 tới. Trong khi đó, Đức thông qua chương trình hành động mười điểm nhằm thắt chặt hơn việc kiểm tra chất lượng và hoạt động kinh doanh các sản phẩm thịt trên thị trường. Kế hoạch trên chú trọng việc tăng cường hệ thống giám sát các doanh nghiệp hoạt động trong ngành thực phẩm, yêu cầu các công ty cung cấp thông tin cho cơ quan hữu quan… Với mục đích “mạnh tay hơn” trong việc giải quyết vụ bê bối, một khung hình phạt dành cho các hành vi vi phạm cũng đang được xem xét.
Tại hội nghị các Bộ trưởng Nông nghiệp EU sắp tới, vấn đề này sẽ được đưa vào chương trình nghị sự. Dù hướng giải quyết tối ưu có được đưa ra hay không, nền kinh tế châu Âu vẫn không tránh khỏi những thiệt hại trước mắt về kinh tế và hậu quả từ cuộc khủng hoảng niềm tin của người tiêu dùng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()