EU, Mỹ thu hút các nước đang phát triển hợp tác về nguyên liệu thô quan trọng
EU và Mỹ đã đưa ra đề nghị mới và có khả năng tốt hơn dành cho các nước đang phát triển nhằm tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn cho những quốc gia này.
Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đang tìm cách thu hút các nước đang phát triển tham gia quan hệ đối tác nhằm điều chỉnh các biện pháp cung cấp nguyên liệu thô quan trọng.
Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, trong cuộc họp của Hội đồng Thương mại và Công nghệ EU-Mỹ diễn ra ngày 5/4 tại thành phố Louvain (Bỉ), hai bên đã ra mắt Diễn đàn đối tác an ninh khoáng sản (MSP) với sự tham dự của 24 quốc gia, dưới sự đồng chủ trì của Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.
Trong số các quốc gia khách mời có Malawi, Angola, Philippines, Brazil, Indonesia, Ukraine, Libya, Kazakhstan và Uzbekistan.
Ông Dombrovskis cho biết EU và Mỹ đã đưa ra đề nghị mới và có khả năng tốt hơn dành cho các nước đang phát triển nhằm tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn cho những quốc gia này.
Quan chức EC nhấn mạnh lời đề nghị dựa nhiều hơn vào mối quan hệ đối tác, sự cộng tác nhằm xác định các cơ hội về dự án, tài chính và cơ sở hạ tầng cũng như hướng tới mục tiêu bền vững.
Nguyên liệu thô đóng vai trò quan trọng đối với quá trình chuyển đổi số và sinh thái mà EU và Mỹ đang cố gắng đạt được.
Tuy nhiên, chuỗi cung ứng toàn cầu cho các khoáng sản này, như lithium và coban, phần lớn phụ thuộc vào Trung Quốc.
EU đang cố gắng đạt được mục tiêu độc lập, một phần thông qua quan hệ đối tác trực tiếp với các nước như Na Uy.
Hơn nữa, EU sẽ sớm ký thỏa thuận quan hệ đối tác nguyên liệu thô quan trọng với Australia và chuẩn bị ký hiệp định quan hệ đối tác sâu hơn với ít nhất 3 quốc gia khác.
Diễn đàn MSP được xây dựng dựa trên mối quan hệ đối tác trước đó do Mỹ khởi xướng vào năm 2022 nhằm đẩy nhanh sự phát triển chuỗi cung ứng đa dạng và bền vững cho các loại khoáng sản năng lượng thiết yếu.
Diễn đàn quy tụ 14 quốc gia là Australia, Canada, Estonia, Phần Lan, Pháp, Đức, Ấn Độ, Italy, Nhật Bản, Na Uy, Mỹ, Hàn Quốc, Vương quốc Anh và Thụy Điển, cũng như Ủy ban châu Âu./.
Ý kiến ()