EU muốn cải cách Khu vực đồng tiền chung
Nhất là sau sự kiện Hy Lạp trước nguy cơ vỡ nợ và Italia đang chật vật với món nợ công khổng lồ
Vào cuối năm 2017, Ủy ban châu Âu (EC) đã chính thức công bố tầm nhìn về cải tổ Eurozone, trong đó bao gồm việc thành lập một phiên bản “Quỹ Tiền tệ quốc tế của châu Âu”. Mục đích của kế hoạch cải tổ này là nhằm thúc đẩy sự đoàn kết EU trong một thị trường đơn nhất với một đơn vị tiền tệ chung.
Ngay sau khi kế hoạch được công bố, các nước Hà Lan, Estonia, Litva, Latvia, Phần Lan, Ireland và Đan Mạch, Thụy Điển (hai nước không thuộc Eurozone) ủng hộ các biện pháp cải cách để hoàn thiện liên minh ngân hàng, thiết lập một quỹ tiền tệ chung châu Âu và tuân thủ các quy định về ngân sách. Tuy nhiên các nước nói trên lại chưa đồng thuận với những biện pháp cải cách được cho là quá “tham vọng” do Pháp khởi xướng. Nhóm nước này chủ yếu phản đối các đề xuất của Pháp về một ngân sách chung và một vị trí Bộ trưởng Tài chính chung của Eurozone.
Còn trên thực tế, gần 20 nước thành viên Eurozone vẫn đang bất đồng về những dự án cải tổ. Các quốc gia phía Bắc khu vực như Hà Lan và Đức không mặn mà trong việc san sẻ thịnh vượng với những nước phía Nam như Pháp, Italy và Tây Ban Nha.
Kế hoạch cải tổ Eurozone tưởng như còn gặp trở ngại do Đức, nền kinh tế lớn nhất EU chưa thành lập xong chính phủ nhưng rồi đã có tín hiệu tích cực.
Sau khi liên Đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Angela Merkel đạt được thỏa thuận mang tính đột phá với Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) thành lập Chính phủ mới, Đức và Pháp mới có động thái đẩy nhanh các nỗ lực cải tổ EU nói chung, Eurozone nói riêng.
Đáng chú ý là ngày 3/6, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đáp lại lời kêu gọi cải cách EU mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra, với cam kết ủng hộ đầu tư và hỗ trợ các quốc gia đang ngập trong nợ nần của Eurozone.
Trả lời phỏng vấn báo Đức Frankfurter Allgemeine Sonntagszeitung, bà Merkel cho biết Đức, với vai trò là nền kinh tế lớn nhất Eurozone sẽ ủng hộ việc thành lập một quỹ đầu tư nhằm giảm sự mất cân bằng về kinh tế giữa các nước giàu hơn và các nước nghèo trong EU.
Đây được xem như tín hiệu quan trọng nhất trước thềm hội nghị thượng đỉnh EU cuối tháng 6 này, để tìm sự đồng thuận cho EU trong cuộc cải tổ Eurozone mạnh mẽ nhất.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis những biện pháp trên sẽ giúp đảm bảo nền kinh tế của các nước thành viên ổn định và mạnh mẽ hơn, cũng như củng cố khả năng xử lý khủng hoảng của EU.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()