EU mở rộng hợp tác kinh tế
Liên minh châu Âu (EU) vừa ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với New Zealand, đồng thời khởi động lại các cuộc đàm phán FTA với Australia và Ấn Ðộ sau thời gian dài bị trì hoãn. Trong bối cảnh phải đối mặt hàng loạt thách thức, việc thúc đẩy các FTA được kỳ vọng sẽ tạo động lực mạnh mẽ giúp EU bảo đảm tăng trưởng kinh tế trong dài hạn và củng cố vị thế trên trường quốc tế.
Sau bốn năm đàm phán cam go, FTA giữa EU và New Zealand vừa cán đích, mở ra chương mới trong quan hệ hợp tác giữa hai bên. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen (U.Lây-en) mô tả: “Ðây là thời khắc lịch sử”, trong khi Thủ tướng New Zealand Jacinda Arden (G.A-đơn) khẳng định, FTA này là một hiệp định chất lượng cao và toàn diện. Thỏa thuận dự kiến sẽ loại bỏ hoàn toàn thuế quan đối với hàng hóa EU xuất khẩu sang New Zealand và mở cửa thị trường dịch vụ New Zealand trong các lĩnh vực chủ chốt như tài chính, viễn thông, vận tải biển và phân phối. Chủ tịch EC nhấn mạnh, hiệp định hứa hẹn mang lại “quả ngọt” cho hai bên khi tăng kim ngạch thương mại song phương thêm 30% và giúp xuất khẩu hằng năm của EU sang New Zealand cán mốc 4,5 tỷ euro.
Cùng với việc kết thúc đàm phán FTA với New Zealand, EU đang tiếp tục mở ra những cánh cửa hợp tác mới với Ấn Ðộ và Australia. Sau gần 10 năm gián đoạn do bất đồng chung quanh việc cắt giảm thuế và bảo hộ bằng sáng chế, EU và Ấn Ðộ vừa nối lại các cuộc đàm phán và hướng tới mục tiêu đạt thỏa thuận thương mại vào cuối năm 2023. Ấn Ðộ là đối tác thương mại quan trọng của EU. Theo số liệu của Chính phủ Ấn Ðộ, trao đổi hàng hóa hai bên chạm mức kỷ lục 116,36 tỷ USD trong tài khóa 2021-2022 (kết thúc ngày 31/3 vừa qua), với mức tăng trưởng 43,5%. Trang Nikkei Asia dẫn nghiên cứu của Cơ quan dịch vụ nghiên cứu của Nghị viện châu Âu (EPRS) cho biết, FTA có thể giúp xuất khẩu của EU sang Ấn Ðộ tăng từ 52-56%. Trong khi đó, Thủ tướng Australia Anthony Albanese (A.An-ba-nít) cũng thông báo, Australia và EU đã sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán FTA, muộn nhất vào tháng 10 tới với kỳ vọng hoàn tất vào đầu năm 2023.
Các nhà phân tích nhận định, những bước đi tích cực, chủ động của EU trong thúc đẩy quan hệ với các đối tác diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế EU đối mặt nhiều thách thức. “Cơn bão giá” dồn dập kéo đến trong nhiều tháng qua khiến con tàu kinh tế khu vực chao đảo. Theo số liệu Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) mới công bố, lạm phát tại Khu vực đồng euro (Eurozone) trong tháng 6 vừa qua đã tăng lên mức kỷ lục mới. Cụ thể, giá tiêu dùng tại 19 nước thành viên Eurozone trong tháng 6 tăng 8,6% so cùng kỳ năm 2021, vượt mức kỷ lục trước đó là 8,1% ghi nhận trong tháng 5. Bên cạnh lạm phát, EU cũng đang đối mặt hàng loạt khó khăn khác như chuỗi cung ứng bị gián đoạn, khủng hoảng năng lượng, lương thực chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế không như kỳ vọng.
Trong bối cảnh đó, các FTA là “chìa khóa” quan trọng giúp mở ra những cơ hội cho doanh nghiệp, nông dân và người tiêu dùng EU. Phó Chủ tịch điều hành EC kiêm Ủy viên Thương mại EU Valdis Dombrovskis (V.Ðôm-brốp-xkít) nhấn mạnh, cơ hội hợp tác mới có ý nghĩa rất quan trọng đối với EU trong bối cảnh khối đang nỗ lực phục hồi kinh tế, chữa lành những “vết thương” sau cú sốc đại dịch Covid-19.
Thắt chặt sợi dây kết nối với các đối tác cũng là mong muốn chung của nhiều quốc gia thành viên EU. Mới đây, các bộ trưởng kinh tế, thương mại và ngoại giao 15 nước thành viên đã viết thư kêu gọi khối này tăng cường ký kết các FTA để bảo đảm tăng trưởng kinh tế dài hạn. Trong thư gửi Phó Chủ tịch điều hành EC Valdis Dombrovskis, các bộ trưởng khẳng định, căng thẳng ở Ukraine và đại dịch Covid-19 đã cho thấy sự cần thiết phải xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, có khả năng thích ứng cao, cùng các quan hệ đối tác chiến lược và thương mại rộng mở. Tăng cường hợp tác kinh tế với các đối tác được cho là bước đi cần thiết giúp thúc đẩy tăng trưởng bền vững và khẳng định vai trò, vị thế của EU.
Ý kiến ()