EU lo ngại về nguồn cung vắc-xin ngừa Covid-19
Theo TTXVN và tin nước ngoài, những trắc trở trong việc chậm triển khai vắc-xin ngừa Covid-19 đã gây căng thẳng trong Liên hiệp châu Âu (EU).
Việc Ðức tự đặt riêng vắc-xin của Pfizer/BioNTech làm dấy lên lo ngại có thể cắt giảm các nguồn cung để phân phối trong toàn khối. Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, chiến dịch tiêm chủng là một hoạt động rất phức tạp và đây là lý do EC rất kiên quyết trong việc ký hợp đồng với các công ty khác nhau.
* EU chính thức cấp phép lưu hành vắc-xin ngừa Covid-19 do Hãng dược phẩm Moderna (Mỹ) bào chế và phát triển. Trong khi đó, trả lời câu hỏi về nội dung cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Ðức và Tổng thống Nga, Phó phát ngôn viên Chính phủ Ðức cho biết, việc sản xuất vắc-xin Sputnik-V của Nga ở EU chỉ có thể thực hiện sau khi vắc-xin này được Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cấp phép.
* Các nhà khoa học tại Viện Vật lý, thuộc Viện Hàn lâm khoa học CH Séc đã sáng chế ra máy xét nghiệm Covid-19 kiểu mới nhanh, chính xác và tiện dụng như máy pha cà-phê tự động. Máy hoạt động trên phương pháp dùng biến cảm sinh học trong vòng vài phút có thể cho kết quả.
* Cùng với nhiều nước EU khác, Pháp đã triển khai chương trình tiêm vắc-xin gồm ba giai đoạn với đối tượng ưu tiên là nhân viên y tế và người cao tuổi tại trung tâm dưỡng lão. Khoảng 14 triệu người có bệnh nền mãn tính sẽ được chủng ngừa từ tháng 2 tới.
* Trong lá thư chung gửi Ủy ban châu Âu ngày 6-1, Bộ trưởng Ngoại giao của 13 nước thành viên EU kêu gọi khối này gửi vắc-xin ngừa Covid-19 cho các nước láng giềng chống đại dịch. Họ cho rằng, EU sẽ không an toàn cho đến khi các quốc gia láng giềng cũng có thể phục hồi sau đại dịch.
* Bộ trưởng Ngoại giao Hung-ga-ri cho rằng, đại dịch Covid-19 và nhập cư bất hợp pháp là những thách thức lớn nhất mà quốc gia Trung Âu này cần tập trung ứng phó trong năm 2021. Chính phủ sẽ nỗ lực bảo đảm người dân được tiếp cận vắc-xin ngừa Covid-19 an toàn và không bị chậm trễ từ bất cứ nhà sản xuất nào.
* Nga cho biết đã đưa vào sử dụng hơn 1,5 triệu liều vắc-xin Sputnik-V và hơn 45.000 liều vắc-xin EpiVacCorona ngừa Covid-19 do nước này phát triển. Công suất sản xuất vắc-xin Sputnik-V sẽ đạt mức hàng chục triệu liều vào tháng 2. Hãng tin RIA Novosti trích dẫn ý kiến của một số nhà khoa học Nga cho rằng, trong năm 2021, đại dịch Covid-19 ở Nga có thể phát triển theo hai kịch bản. Nếu vi-rút không đột biến, dịch bệnh sẽ giảm bớt sau khi phần lớn dân số có được khả năng miễn dịch. Trong trường hợp vi-rút đột biến, sẽ cần một loại vắc-xin mới.
* Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) cho biết, Bô-li-vi-a đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc-xin ngừa Covid-19 Sputnik-V do Nga phát triển. RDIF đồng ý cung cấp cho Bô-li-vi-a đủ vắc-xin Sputnik-V gồm hai liều để tiêm chủng cho 2,6 triệu người.
* Theo trang mạng worldometers.info, tính đến ngày 7-1, thế giới xác nhận hơn 87,7 triệu ca mắc Covid-19. Các chuyên gia của WHO cảnh báo, sáu tháng tới sẽ là “chặng đường hết sức gian nan” trong cuộc chiến chống đại dịch trên thế giới, trước khi các loại vắc-xin có thể phát huy tác dụng và đảo ngược tình hình.
* Tổng thống Bô-li-vi-a L.A-xơ thông báo sẽ gia hạn đến ngày 15-2 tới lệnh cấm các chuyến bay từ châu Âu để ngăn ngừa biến thể của Covid-19. Ðến nay, hơn 40 nước đã tạm thời cấm các chuyến bay từ Anh.
* Chính quyền bang Ca-li-pho-ni-a (Mỹ) yêu cầu tất cả bệnh viện tiếp nhận và điều trị những bệnh nhân Covid-19 chuyển tuyến từ mọi nơi tại bang này và hoãn các cuộc phẫu thuật không cần thiết trong bối cảnh số ca mắc mới tại đây tăng gấp đôi so với bất kỳ bang nào tại Mỹ trong tuần qua.
* Tổng thống Mê-hi-cô cho biết, chính phủ nước này sẵn sàng cung cấp vắc-xin ngừa Covid-19 cho những người nhập cư không giấy tờ tại Mỹ. Hiện có khoảng 36 triệu người gốc Mê-hi-cô đang sinh sống, học tập và làm việc tại Mỹ, trong đó có gần năm triệu người không có giấy tờ hợp pháp.
Ý kiến ()