EU kiềm chế giá năng lượng tăng cao khi mùa đông tới gần
Liên minh châu Âu (EU) vừa nhất trí kiềm chế giá năng lượng leo thang, trong bối cảnh mùa đông lạnh giá tới gần. Dù còn nhiều ý kiến trái chiều, nhưng thỏa thuận cho thấy EU quyết tâm bảo vệ người dân trước cơn bão giá năng lượng.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Hội nghị cấp cao EU diễn ra trong hai ngày 20 và 21/10 đạt thỏa thuận kiềm chế đà tăng của giá năng lượng và áp trần giá điện, với mục tiêu là bảo vệ người tiêu dùng châu Âu. Việc mái nhà chung EU đạt được tiếng nói thống nhất sau 11 giờ tranh luận căng thẳng đã giúp các lãnh đạo liên minh và nhiều nước thành viên thở phào nhẹ nhõm.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen (U.Lây-en) vui mừng thông báo, thỏa thuận vạch ra một lộ trình vững chắc để các thành viên tiếp tục làm việc về chủ đề giá năng lượng. Thỏa thuận kêu gọi các nước thành viên trong những tuần tới tìm ra cách thức để bảo vệ người tiêu dùng khỏi giá cao, mà vẫn duy trì được khả năng cạnh tranh của EU trên toàn cầu, cũng như tính thống nhất của thị trường chung này.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel (C.Mi-sen) nhận định, cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay là mối đe dọa đối với thị trường nội khối của EU, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp bảo vệ thị trường chung. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ hài lòng về thỏa thuận, cho rằng khoảng thời gian 2-3 tuần tới sẽ cho phép EC đưa ra đề xuất nhằm thực thi các cơ chế này. Theo ông chủ Ðiện Élysée, thỏa thuận này gửi đi tín hiệu rõ ràng đối với thị trường về sự quyết tâm và đoàn kết của khối. Thủ tướng Ðức Olaf Scholz đánh giá EU đã đạt tiến triển tốt trong vấn đề năng lượng.
Tuy nhiên, thỏa thuận mới là bước khởi đầu và chỉ có giá trị về mặt pháp lý, điều quan trọng là các nước thành viên EU tuân thủ và thực hiện theo hướng nào, bởi sức ép của cuộc khủng hoảng năng lượng đối với từng quốc gia là khác nhau. Ðơn cử với việc áp đặt mức trần giá khí đốt, EU với 27 nước thành viên đã chia rẽ thành hai phe ủng hộ và phản đối. 15 nước, trong đó có Pháp, Italia, Ba Lan, đang nỗ lực thúc đẩy nhanh chóng áp đặt mức trần giá khí đốt.
Tuy nhiên, nỗ lực này vấp phải sự phản đối của Ðức-nền kinh tế lớn nhất EU và Hà Lan-nước nhập khẩu khí đốt nhiều nhất khối. Cuộc khủng hoảng năng lượng cũng cho thấy rạn nứt giữa Ðức và Pháp, hai nước đầu tàu EU và thường thể hiện đoàn kết trong mọi khó khăn. Sau khi Chính phủ Ðức công bố kế hoạch hỗ trợ trị giá 200 tỷ euro để bảo vệ các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong bối cảnh giá năng lượng tăng mạnh, Tổng thống Pháp lên tiếng phản đối, cảnh báo chương trình hỗ trợ này có thể dẫn tới tình trạng méo mó trong EU. Trong khi Berlin phản đối việc áp giá trần khí đốt trong toàn khối vì lo ngại người tiêu dùng ngừng áp dụng các biện pháp tiết kiệm, khiến tình hình thêm tồi tệ thì Paris lại ủng hộ nhiệt tình.
Vừa tạm thời giải bài toán giá năng lượng, EU lại đau đầu về tình trạng lạm phát gia tăng. Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cảnh báo, mức lạm phát tháng 9 trong khu vực lên tới xấp xỉ 10%, mức cao kỷ lục kể từ khi đồng euro chính thức ra đời năm 1999, cao hơn nhiều mức 9,1% của tháng 8. Theo Eurostat, lạm phát tháng 9 ở mức cao chủ yếu do giá năng lượng tăng mạnh, lên tới 40,7% so cùng kỳ năm ngoái. Dù đã chia tay mái nhà chung EU, Vương quốc Anh cũng không tránh khỏi vòng xoáy lạm phát. Giá thực phẩm tăng mạnh nhất kể từ năm 1980 đã đẩy lạm phát của Anh trong tháng 9 trở lại mức hai chữ số. Ðây là thông tin không vui đối với các gia đình vốn đang chật vật đối phó cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.
Theo báo cáo của Văn phòng Thống kê quốc gia Anh, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Xứ sở Sương mù trong tháng 9 đã tăng 10,1% so cùng kỳ năm ngoái. Giá thực phẩm và đồ uống không cồn là những mặt hàng tăng mạnh nhất, kể từ tháng 4/1980, với mức tăng 14,5%, khiến lạm phát của Anh tăng vọt trong tháng 9. Lạm phát lõi, thước đo giá cả hàng hóa không tính giá lương thực và năng lượng, ở mức 6,5%, cao nhất trong 30 năm qua.
Kiềm chế giá năng lượng và lương thực là bài toán không dễ tìm lời giải đối với châu Âu, bởi nguồn cung giảm và chuỗi cung ứng đứt gãy. Lục địa già cũng không thể một sớm một chiều tìm được nguồn cung thay thế khí đốt của Nga, vốn là nguồn năng lượng chính của châu Âu từ trước đến nay.
Ý kiến ()