EU không ủng hộ miễn trừ bản quyền đối với vaccine ngừa COVID-19
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nhấn mạnh EU là “nhà thuốc” của thế giới và khối này cần tập trung vào việc sản xuất càng nhiều vaccine càng tốt, đảm bảo phân phối một cách công bằng và khách quan.
Ngày 8/5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen thông báo lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) tạm thời chưa đưa ra quyết định về vấn đề tạm miễn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với các loại vaccine phòng COVID-19 vì cho rằng còn nhiều vấn đề cấp bách hơn cần phải xem xét.
Phát biểu với báo giới sau hội nghị thượng đỉnh EU tại Porto (Bồ Đào Nha), Chủ tịch von der Leyen đánh giá đây là một chủ đề quan trọng cần được bàn bạc trong dài hạn, không thể trong trung hay ngắn hạn.
Theo bà, châu Âu cần tập trung vào những vấn đề cấp bách cơ bản hiện nay gồm sản xuất càng nhiều vaccine càng tốt, đảm bảo phân phối một cách công bằng và khách quan.
EC, cơ quan điều hành của EU, nhấn mạnh khối này chính là “nhà thuốc” của thế giới.
Tính đến ngày 8/5, khoảng 400 triệu liều vaccine COVID-19 đã được sản xuất tại các nước EU và 50% (200 triệu liều) đã được xuất khẩu ra 90 quốc gia khác nhau trên thế giới.
Bà von der Leyen mong muốn các nhà sản xuất vaccine khác cũng sẽ làm điều tương tự đồng thời nhấn mạnh trong ngắn hạn, đây là cách tốt nhất để tháo gỡ vấn đề thiếu nguồn cung và phương thức phân phối vaccine một cách công bằng trên toàn thế giới.
Chủ tịch EC cũng thông báo EU đã tiêm khoảng 200 triệu liều vaccine cho người dân, trong đó gần 160 triệu người (hơn 25% dân số) đã được tiêm mũi đầu tiên và khối đang thực hiện đúng lộ trình bàn giao vaccine trong tháng Bảy để đạt được mục tiêu tiêm cho 70% người trưởng thành.
Hiện, các bước chuẩn bị về mặt pháp lý và kỹ thuật để phục vụ triển khai chứng nhận đi lại trong EU (chứng nhận tiêm phòng COVID-19) đều đang được thực hiện đúng lộ trình đã vạch ra hướng đến đưa hệ thống vào vận hành từ tháng 6 tới.
Trong tuần qua, Mỹ đã lên tiếng ủng hộ miễn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine phòng COVID-19 tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Tuy nhiên, phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh EU, dù khẳng định luôn sẵn sàng tham gia thảo luận về vấn đề, nhưng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng cho rằng đây không phải là giải pháp có thể giúp tăng tốc độ tiêm chủng trên toàn cầu.
Về phần mình, Thủ tướng Italy Mario Draghi cho rằng đề xuất của Mỹ sẽ không giúp đảm bảo tăng sản lượng vaccine toàn cầu trong khi người đồng cấp Bồ Đào Nha Antonio Costa khẳng định EU đã rất “gương mẫu” trong việc đóng góp cho cơ chế COVAX phân phối vaccine tới các nước nghèo.
Về phần mình, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi Mỹ tăng cường xuất khẩu vaccine phòng COVID-19 được sản xuất tại nước này, đồng thời bác bỏ lời kêu gọi ủng hộ việc miễn quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ với những vaccine này.
Phát biểu tại họp báo sau hội nghị, bà Merkel cho rằng đã đến lúc Mỹ xem xét việc trao đổi miễn phí các nguyên liệu và mở cửa thị trường vaccine sau khi nước này đạt được những tiến bộ quan trọng trong chương trình tiêm phòng COVID-19.
Nhà lãnh đạo Đức nhắc lại quan điểm phản đối việc yêu cầu các hãng dược từ bỏ quyền bảo hộ với các loại vaccine phòng COVID-19, cho rằng đây không phải là giải pháp giúp tăng sản lượng vaccine.
Nhà lãnh đạo Đức nhấn mạnh thay vì biện pháp trên, thế giới cần thúc đẩy khả năng sáng tạo và năng lực đột phá của các công ty dược (bao gồm đảm bảo quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ) để tiếp tục khuyến khích họ tiếp tục nghiên cứu các phương thuốc mới ngăn ngừa biến thể của virus SARS-CoV-2.
Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra trong các ngày 7-8/5, quy tụ 24/27 lãnh đạo các quốc gia thành viên. Chủ đề chính của hội nghị là thảo luận và vạch ra chương trình xây dựng xã hội của toàn liên minh trong thập kỷ tới.
Hội nghị do Bồ Đào Nha, nước chủ tịch luân phiên EU, chủ trì./.
Ý kiến ()