EU hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho 10 tỉnh nghèo
Chương trình hỗ trợ chính sách ngành y tế giai đoạn II: Hướng tới công bằng và chất lượng dịch vụ y tế tại Việt Nam, là một hoạt động hỗ trợ ngân sách ngành y tế lớn nhất của Liên minh châu Âu tại châu Á.
Chương trình được thực hiện ở 10 tỉnh Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông, Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái, được coi là tỉnh nghèo của Việt Nam.
Cải thiện chất lượng y tế cơ sở
Nhấn mạnh về ý nghĩa của việc Liên minh châu Âu đã chọn những xã khó khăn ở Việt Nam để thực hiện Chương trình hỗ trợ ngành Y tế giai đoạn II, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Bruno Angelet cho biết, Liên minh châu Âu rất quan tâm đến việc phát triển kinh tế nhưng song song với việc phát triển kinh tế, Liên minh châu Âu cũng mong muốn có thể hỗ trợ phát triển về mặt xã hội, đặc biệt là y tế và giáo dục, góp phần kéo gần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, giúp người nghèo, vùng sâu, vùng xa không bị tụt hậu quá xa trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội.
Điều đó chính là kim chỉ nam cho tất cả các quá trình Liên minh châu Âu viện trợ cho Việt Nam. Trong chương trình hỗ trợ y tế này, ngoài việc hỗ trợ ở trung ương, Liên minh châu Âu còn tập trung hỗ trợ nhiều cho các tỉnh nghèo ở Việt Nam.
Hỗ trợ ngân sách 100 triệu euro cho giai đoạn 2015-2017 theo phương thức hợp đồng hỗ trợ cải cách ngành Y tế giai đoạn II, được Chính phủ Việt Nam và phái đoàn Liên minh châu Âu ký kết vào tháng 12/2014.
Mục tiêu chính của Chương trình hỗ trợ chính sách ngành Y tế giai đoạn II của Liên minh châu Âu tài trợ cho Chính phủ Việt Nam là nâng cao độ phủ sóng của các dịch vụ y tế tại tuyến cơ sở (huyện và xã), đặc biệt cho 10 tỉnh (Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông, Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái ) tại Việt Nam.
Các hoạt động bao góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện trạm y tế xã, cải thiện kỹ năng của các bác sĩ và y tá, cải thiện công việc của các nhân viên y tế của trạm y tế xã và nữ hộ sinh.
Kết quả dự kiến sau khi kết thúc Chương trình, vào cuối năm 2017, có thêm ít nhất 2,5 triệu người cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế. Cuối năm 2016, hệ thống phương thức chi trả đảm bảo chất lượng dịch vụ tốt hơn tại tuyến huyện, xã đồng thời đảm bảo mức tăng chi phí được kiểm soát. Hệ thống quản lý thông tin và trao đổi dữ liệu giữa Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam được cải thiện.
Bên cạnh đó, dịch vụ y tế tuyến huyện và xã được sử dụng nhiều hơn thông qua việc cải thiện tiếp cận, bình đẳng giới và chất lượng dịch vụ tại tuyến dưới. Điều này giúp làm giảm sự quá tải tại bệnh viện. Số lượng bác sỹ tuyến xã gia tăng, tối thiểu 80% trạm y tế xã trên toàn quốc có bác sỹ ít nhất 3 ngày trong một tuần. Phương pháp đo lường sự hài lòng của bệnh nhân được xây dựng và áp dụng tại ít nhất 70% số bệnh viện.
Về bình đẳng giới, cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Chuyên môn và trình độ của bác sỹ, y tá, nữ hộ sinh ở tuyến xã được cải thiện (ít nhất là 2.000 cô đỡ ở thôn bản được đào tạo. Số ca đẻ được nhân viên y tế có tay nghề đỡ tại 10 tỉnh tăng tương đương với tỷ lệ chuẩn quốc gia về y tế 100%.; hạn chế tác động của tư tưởng trọng nam khinh nữ…
Để triển khai có hiệu quả Chương trình này, bà Oxana Abovskaya, Điều phối viên Quỹ Hỗ trợ kỹ thuật của Liên minh châu Âu cho Y tế cho biết, “Chúng tôi đang hợp tác rất chặt chẽ với Bộ Y tế và Phái đoàn Liên minh châu Âu để có thể thực hiện được những mục tiêu mà Chương trình đã đề ra. Lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho rằng việc cải thiện các trạm y tế xã là một trong mục tiêu chính để tạo ra một tương lai tốt hơn cho ngành y tế.”
Nâng cao sức khỏe người dân
Qua nghiên cứu khảo sát về cơ sở nhà trạm, nhân lực y tế, nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân, Trạm Y tế xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ (Sơn La) là một trong những địa phương được Bộ Y tế và Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La chọn để đầu tư xây dựng từ nguồn vốn của Liên minh châu Âu tài trợ nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân và đồng bào các dân tộc trong vùng đến khám, chữa bệnh.
Công trình Trạm Y tế xã Chiềng Yên được xây dựng từ 16/2/2016 đến ngày 3/10/2016 hoàn thành theo đúng yêu cầu kỹ thuật thiết kế, có tổng diện tích 153m2, xây 2 tầng, tổng diện tích 326m2 sàn, gồm 11 phòng, tổng vốn đầu tư hơn 3,4 tỷ đồng.
Đây là nơi cung cấp các dịch vụ phòng bệnh, khám chữa bệnh và nâng cao sức khỏe một cách có chất lượng, hiệu quả và gần dân nhất. Việc thường xuyên khám, chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở cho người dân sẽ góp phần phát hiện và điều trị sớm bệnh, giảm chi phí điều trị và các chi phí gián tiếp không cần thiết như: chi phí đi lại, ăn, ở cho người bệnh và người nhà đi thăm nuôi người bệnh.
Chị Nguyễn Thị Tiếu, Trưởng Trạm Y tế xã Chiềng Yên vui mừng cho biết, là một xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, với 14 Bản có 959 hộ và 3.896 nhân khẩu gồm các dân tộc (Thái, Kinh, Mường, Dao, H. Mông, Tày, Khơ Mú, La Ha, ) cùng sinh sống.
Trước đây, Trạm y tế đã xuống cấp, chật hẹp, nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân lớn. Sau khi Trạm Y tế xã được Liên minh châu Âu tài trợ và đưa vào sử dụng, trạm y tế sẽ đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, sinh đẻ, y tế cơ bản, góp phần giảm thiểu những khó khăn vất vả của người dân đi lại khám chữa bệnh lên tuyến trên.
Chị Đặng Thị Nhớ, người Khơ Mú, bản Pà Puộc không dấu được phấn khởi vì từ nay xã đã có Trạm y tế khang trang, hy vọng chữa được nhiều bệnh cho trẻ em hơn. Người dân không phải đi lại qúa vất vả như trước chỉ để chữa những bệnh thông thường như : bệnh cúm, sốt phát ban, rối loạn tiêu hóa, viêm đường hô hấp… đến trạm đã có chỗ để điều trị sạch sẽ.
Nằm cách xa Trung tâm huyện gần 40km, Chiềng Yên có địa hình phức tạp, chủ yếu đồi núi có độ dốc lớn địa bàn xã rộng, giao thông đi lại khó khăn, dân trí không đồng đều. Nhận thức của nhân dân về an toàn thực phẩm chăm sóc sức khỏe chưa được nâng cao, nhất là những kiến thức về chăm sóc sức khỏe cho những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, an toàn khi sinh còn hạn chế.
Nhiều phụ nữ vẫn ngại đường xá đi lại khó khăn, nhận thức về việc chăm sóc sau sinh còn đơn giản vì thế đã chọn cách sinh con luôn ở nhà, gây nhiều nguy hiểm cho mẹ và con.
Trạm trưởng Nguyễn Thị Tiếu chia sẻ, vừa qua, Trạm Y tế xã Chiềng Yên đã cử 12 y tá thôn bản tham gia lớp tập huấn về cô đỡ thôn bản trong thời gian 6 tháng. Từ khi đội ngũ cô đỡ thôn bản được tham gia tập huấn các kỹ năng, số trẻ em sinh có tỷ lệ sống cao hơn hẳn.
Bên cạnh đó công tác tuyên truyền kiến thức cho phụ nữ trong tuổi sinh đẻ cũng được đẩy mạnh, số phụ nữ mang thai đã tìm đến trạm để khám định kỳ và đến trạm y tế xã để sinh con. Một số trường hợp do quá xa, không kịp đến trạm thì cô đỡ thôn bản sẵn sàng đến tận nhà giúp đỡ.
Chị Hà Thị Ánh, cô đỡ thôn bản xã Chiềng Yên cho biết, là y tá thôn bản nhưng không dám đỡ đẻ trường hợp nào. Nhưng từ khi được tham gia lớp tập huấn cô đỡ thôn bản, cảm thấy tự tin hơn khi giúp đỡ những trường hợp phải sinh con tại nhà. “Điều mà tưởng như rất đơn giản nhưng qua lớp tập huấn này tôi đã học được và nhớ rất kỹ đó là phải chú ý thắt chặt dây rốn cho trẻ sơ sinh” – chị Ánh nói.
Cũng là một trong 12 y tá thôn bản của xã Chiềng Yên được tham gia lớp tập huấn cô đỡ thôn bản, chị Lý Thị Huệ đã cảm thấy vững vàng hơn mỗi khi đến tận nhà người dân giúp những sản phụ “vượt cạn.”
Gần đây nhất có trường hợp phụ nữ 43 tuổi, dân tộc Mông ở bản Piềng Chà có con lần đầu, sản phụ đã vỡ ối, nếu di chuyển lên Trạm y tế xã mất nhiều thời gian, dễ đẻ rơi giữa đường. Vì thế chị đã được gọi đến nhà để đỡ đẻ.
Chị Huệ tâm sự, lúc đầu cũng cảm thấy rất lo lắng vì sản phụ đã cao tuổi, nhưng nếu chuyển lên trạm thì cũng không kịp để xử lý. Chị đã bình tĩnh vận dụng những kỹ thuật đã được hướng dẫn trong khóa tập huấn và đã đỡ thành công ca đó để mẹ khỏe con ngoan. Đây cũng là một trong những trường hợp đỡ đẻ thành công đã giúp chị có thêm động lực, tự tin, yêu nghề và thấy công việc của mình thật có ý nghĩa./.
Theo VietnamPlus
Ý kiến ()