EU gia hạn lệnh trừng phạt Nga thêm sáu tháng
Chủ tịch EC Charles Michel.
Lần gia hạn này liên quan cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine, bao gồm các biện pháp trừng phạt nhằm vào hầu hết các lĩnh vực kinh tế ở xứ sở Bạch Dương, trong đó có ngành kinh tế mũi nhọn dầu mỏ. Lệnh trừng phạt này tiếp tục có hiệu lực tới tháng 7-2020. Báo chí Nga ngày 13-12 đã xác nhận thông tin trên.
Lệnh trừng phạt Nga lần đầu tiên được áp đặt tháng 7- 2014, sau khi chiếc máy bay dân dụng mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị bắn rơi khi bay qua không phận miền Đông Ukraine. Từ đó, EU liên tục gia hạn các biện pháp trừng phạt cứ mỗi sáu tháng một lần cho tới nay.
Quyết định của EC được đưa ra trên cơ sở các báo cáo của Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc thực hiện các thỏa thuận Minsk, sau cuộc họp bốn bên theo định dạng “Normandy” gồm đại diện Nga, Ukraine, Đức và Pháp vừa diễn ra tại Paris hôm 9-12. Lần gần đây nhất, EU gia hạn các biện pháp trừng phạt Nga là vào ngày 27-6 và có hiệu lực đến hết ngày 31-1 năm tới.
Thời gian qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã hơn một lần lên tiếng kêu gọi EU thực hiện các bước đi nhằm giảm căng thẳng với Moscow, nhưng cho tới nay Brussels vẫn khẳng định điều kiện tiên quyết để bình thường hóa quan hệ EU – Nga là Thỏa thuận Minsk, ký năm 2015 về giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, phải được triển khai đầy đủ. Có thể nói hiện thực hoá thoả thuận trên là chìa khoá dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga. Thỏa thuận này được Moscow và Kiev ký nhằm chấm dứt cuộc chiến và tìm giải pháp chính trị cho các vùng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine, gồm các tỉnh Donetsk và Lugansk, vùng đất thuộc Ukraine, có đông người nói tiếng Nga và đòi tách ra độc lập.
Phản ứng trước động thái này của EU, báo chí Nga ngày 13-12 phản ánh các ý kiến của giới chức nước này cho thấy Nga không ngạc nhiên trước quyết định của EU về việc gia hạn các biện pháp trừng phạt. Thậm chí còn cho rằng các biện pháp trừng phạt của EU, ngược lại, như một chất xúc tác giúp Nga tập trung nỗ lực giải quyết một số vấn đề kinh tế, “bao gồm cả những vấn đề liên quan đến thay thế nhập khẩu”. Phía Nga cho rằng “gây áp lực lên Nga thông qua các lệnh trừng phạt là vô ích”, “các lệnh trừng phạt chỉ gây tổn hại cho việc xây dựng mối quan hệ tin cậy giữa các quốc gia” và “bất chấp các lệnh trừng phạt, Nga sẽ tiếp tục chính sách thân thiện đối với các quốc gia khác, thông qua việc phát triển quan hệ hợp tác mang tính xây dựng và cùng có lợi”.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cho biết, kim ngạch thương mại giữa Nga và EU, trong trường hợp các lệnh trừng phạt kinh tế được dỡ bỏ, có thể đạt tới 550 tỷ USD, tương đương kim ngạch thương mại của EU với Mỹ và Trung Quốc. Theo thống kê, kể từ lệnh trừng phạt kinh tế đầu tiên được đưa ra hồi năm 2014, kim ngạch thương mại Nga – EU đã rơi xuống mức 250 tỷ USD từ mức 417 tỷ USD.
Theo Nhandan
Ý kiến ()