EU được quyền thu hồi phương tiện vi phạm các quy định về khí thải
Năm 2013, EU bắt đầu sửa đổi các quy tắc kiểm soát khí thải nhưng việc này đã được đẩy nhanh vào năm 2015 sau vụ bê bối “dieselgate” bị phát giác.
Công nhân hoàn thiện lắp ráp xe ô tô Mercedes Benz A tại nhà máy sản xuất xe Daimler ở Rastatt, miền Tây Nam Đức.
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, Ủy ban châu Âu (EC) có thể sẽ thu hồi xe và chứng nhận đăng kiểm đối với các xe ôtô vi phạm giới hạn khí thải của Liên minh châu Âu (EU), theo các quy định mới được áp dụng từ ngày 1/9 và nhằm tránh lặp lại vụ bê bối gian lận khí thải của nhà sản xuất ôtô Đức Volkswagen, thường được gọi là “dieselgate.”
Các quy định này trao cho EC quyền kiểm tra việc tuân thủ đối với xe ôtô, ra lệnh thu hồi trên toàn khối và đưa ra mức phạt lên tới 30.000 euro (khoảng 35.823 USD)/đầu xe đối với các nhà sản xuất vi phạm luật của EU về khí thải hoặc tiêu chuẩn an toàn.
Trước đây, việc thu hồi phương tiện vi phạm và phạt tiền thuộc thẩm quyền của các quốc gia thành viên. EC cho biết hệ thống xử phạt cũ đã không giúp các xe vi phạm được khắc phục nhanh chóng trên phạm vi đủ rộng.
Năm 2013, EU bắt đầu sửa đổi các quy tắc kiểm soát khí thải nhưng việc này đã được đẩy nhanh vào năm 2015 sau vụ bê bối “ dieselgate ” bị phát giác khi tập đoàn Volkswagen phải thừa nhận gian lận trong các cuộc kiểm tra khí thải của Mỹ, kéo theo các vụ kiện trên khắp thế giới khiến công ty này thiệt hại trên 30 tỷ euro (35,82 tỷ USD).
Các quy định mới cũng có thể cho phép EC thu hồi giấy chứng nhận đăng kiểm , giúp cho các khách hàng châu Âu có thể yêu cầu nhà sản xuất ôtô phải bồi thường nếu họ mua phải các mẫu xe bị cấm vì vi phạm luật của EU.
Thông thường, một quốc gia EU sẽ thực hiện các biện pháp chống lại một nhà sản xuất ôtô không tuân thủ. Giờ đây, nếu cho rằng hành động đó là chưa đủ, EC có thể đề xuất các biện pháp khắc phục tiếp theo, bao gồm thu hồi kết quả phê duyệt kiểu loại phương tiện, thường chỉ cần sự ủng hộ của đa số các nước EU, nghĩa là một quốc gia thành viên không thể chặn chúng.
EC cũng sẽ bắt đầu tiến hành kiểm tra các phương tiện và cho biết họ đã đầu tư 7 triệu euro (8,36 triệu USD) vào xây dựng 2 phòng thử nghiệm.
Trong khi đó, các nước EU phải tiến hành kiểm tra tối thiểu đối với các xe ôtô đã được phép lưu thông – một động thái nhằm phát hiện những trường hợp sử dụng thiết bị gian lận về khí thải để cho ra kết quả kiểm tra không đúng với thực tế.
Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô châu Âu cho biết, doanh số bán xe đã giảm mạnh ở châu Âu trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, với lượng xe đăng ký mới trong nửa đầu năm giảm tới 38% so với cùng kỳ năm 2019./.
Ý kiến ()