EU dỡ lệnh phạt đối với nghề cá Thái-lan
Lao động nhập cư hoạt động tại cảng Thái-lan.
Trong cuộc gặp ngày 8-1 với Phó Thủ tướng Thái-lan Chatchai Sarikulya về vấn đề đánh bắt cá trái phép, Cao ủy về Thủy sản của EU Karmothy Vella cho biết, hai bên đã đạt cam kết mới về vấn đề này. “Kể từ khi thẻ vàng được ban hành, EU và Thái-lan đã tham gia quá trình hợp tác và đối thoại mang tính xây dựng”, ông Vella nói.
Các biện pháp được thực hiện bao gồm sửa đổi khung pháp lý nghề cá của Thái-lan theo luật pháp quốc tế về các công cụ biển; tăng cường các nghĩa vụ của Thái-lan như buộc treo cờ quốc gia và thiết lập chế độ răn đe trừng phạt nếu để xảy ra sai phạm; củng cố các cơ chế kiểm soát của đội tàu đánh cá quốc gia và tăng cường các hệ thống kiểm tra và giám sát, trong đó có hoạt động giám sát từ xa các hoạt động đánh bắt cá và kế hoạch kiểm tra kỹ lưỡng tại cảng.
Cảnh sát Thái-lan kiểm tra giấy phép lao động nhập cư.
Dù không phải là một phần của cuộc đối thoại song phương về vấn đề đánh bắt cá trái phép, Ủy ban Đối ngoại châu Âu còn giải quyết với chính quyền Thái-lan về việc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và lao động cưỡng bức trong ngành đánh bắt cá. Trong Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) số 88 về đánh bắt cá (C188), EU cũng công nhận những nỗ lực của Thái-lan trong việc giải quyết nạn buôn người trái phép và cải thiện điều kiện lao động trong lĩnh vực đánh bắt cá.
Thái-lan là nước xuất khẩu thủy sản lớn thứ ba thế giới, điều mà các chuyên gia cho rằng đạt được thông qua đánh bắt trái phép thủy hải sản quá mức và những người lao động nhập cư từ các nước láng giềng bị trả lương thấp. EU đã giơ thẻ vàng với Thái-lan vào tháng 4-2015, với cảnh báo nước này không có các hành động chống lại các hoạt động đánh bắt thủy hải sản trái phép, không có báo cáo và quản lý nghiêm ngặt. Tuy nhiên, quyết định rút lại thẻ vàng hôm nay giúp Thái-lan tránh đối mặt lệnh cấm nhập khẩu hoàn toàn từ thị trường EU với các sản phẩm thủy sản, thị trường có 500 triệu người tiêu dùng và là nhà nhập khẩu các sản phẩm thủy sản lớn nhất thế giới.
Liên hiệp châu Âu ước tính giá trị toàn cầu từ việc đánh bắt cá trái phép ở mức 10 đến 20 tỷ euro (khoảng 11,4 tỷ đến 22,8 tỷ USD) mỗi năm.
Theo Nhandan
Ý kiến ()