EU điều phối bệnh nhân COVID-19 giữa các nước thành viên
Châu Âu một lần nữa trở thành tâm điểm dịch COVID-19 trên thế giới, với tỉ lệ mắc mới, tử vong và nhập viện cùng tăng kỷ lục trong vài ngày qua.
Ủy ban châu Âu (EC) thông báo sẽ dành một khoản ngân sách trị giá 220 triệu euro để chuyển các bệnh nhân COVID-19 từ các nước tâm dịch sang các nước láng giềng nhằm giảm tải cho hệ thống y tế đang quá tải tại một số nước.
Lãnh đạo các quốc gia thành viên được kêu gọi tăng cường hợp tác, phối hợp các biện pháp đối phó với đại dịch COVID-19, vốn đang đẩy “Lục địa Già” vào giai đoạn khó khăn mới, thậm chí còn khắc nghiệt hơn đợt lây nhiễm đầu tiên trong tháng 3-4 vừa qua. Theo Chủ tịch EC Von der Layen, nếu EU không hành động kịp thời, hệ thống y tế châu Âu sẽ sụp đổ.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, số ca mắc COVID-19 tại 53 quốc gia khu vực châu Âu, bao gồm cả Nga và một số nước Trung Á, đã vượt qua mốc 10 triệu ca trong ngày 29/10.
Ngoài điểm nóng dịch bệnh là Pháp hiện nay, Italy, Anh và Tây Ban Nha, Bỉ, Ba Lan ghi nhận số ca nhiễm mới mỗi ngày dao động từ 20.000 đến 27.000 ca, trong khi Đức và Nga có 17.000-18.000 ca nhiễm mới.
Đức và Pháp đang chuẩn bị đóng cửa một số hoạt động kinh tế để khống chế dịch bệnh, song bảo đảm hạn chế tối đa thiệt hại về kinh tế. Từ ngày 30/10, người dân Pháp không được phép tự do ra khỏi nhà. Các quán rượu và nhà hàng cũng buộc phải đóng cửa ít nhất đến tháng 12. Hoạt động đi lại giữa các địa phương trong nước cũng bị hạn chế.
Tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel đã quyết định phong tỏa một phần từ ngày 2/11, theo đó các địa điểm giải trí tập trung đông người như nhà hàng, quán rượu, rạp chiếu phim… tạm ngừng hoạt động, nhưng người dân không bị hạn chế về đi lại. Chính phủ Tây Ban Nha đã quyết định gia hạn lệnh tình trạng khẩn cấp thêm 6 tháng. Điều này đồng nghĩa chính quyền 17 vùng của Tây Ban Nha có thể áp đặt các biện pháp hạn chế người dân di lại, ban bố lệnh giới nghiêm vào ban đêm và đóng cửa biên giới.
Giám đốc WHO tại châu Âu Hans Kluge nhấn mạnh biện pháp đóng cửa, bảo đảm giãn cách xã hội sẽ giúp kiềm chế được tốc độ lây nhiễm trong cộng đồng cũng như tạo điều kiện cho hệ thống y tế có quãng thời gian phục hồi.
Lần đầu tiên ghi nhận hơn 500.000 ca mắc mới
Theo worldometers.info, tính đến 8h sáng 30/10, toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 45,3 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó tỉ lệ tử vong chiếm 3% (1,18 triệu ca). 24 giờ qua cũng là lần đầu tiên thế giới ghi nhận hơn 500.000 ca nhiễm mới kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát. Tổng số ca bình phục hiện là 32,96 triệu ca, tuy nhiên vẫn còn hơn 82.150 bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, Mỹ, Ấn Độ, Pháp là 3 nước ghi nhận số ca nhiễm mới tăng cao nhất thế giới, lần lượt ở mức 85.971 ca (mức cao nhất trong 1 ngày tại Mỹ), 49.281 ca và 47.637 ca. Hiện tổng số bệnh nhân COVID-19 tại Mỹ là 9,20 triệu người – cao nhất thế giới, tiếp sau là Ấn Độ (8,08 triệu người) và Brazil (5,49 triệu người). Trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận thêm 26.647 ca nhiễm mới.
Tại Mỹ, có 41 bang thông báo trong tuần qua có thêm ít nhất 10% ca nhiễm, kéo theo số người cần nhập viện điều trị tăng vọt và số ca tử vong cũng tăng dần theo. Ngày 29/10, Mỹ ghi nhận gần 1.000 ca tử vong. Sau một thời gian không còn là tâm dịch, bang New York và một số bang ở khu vực Đông Bắc nước Mỹ giờ đây lại đang chứng kiến số ca nhiễm mới tăng vọt. Thị trưởng New York cho biết số ca nhiễm mới tại thành phố lớn nhất nước Mỹ này trong 24 giờ qua đã tăng gấp đôi.
Tại châu Á, toàn khu vực trong 24 giờ qua ghi nhận thêm 93.503 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại châu lục này lên 13,49 triệu ca. Ấn Độ hiện là quốc gia châu Á chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19.
Tại Nam Mỹ, ngoài điểm nóng là Brazil, trong 24 giờ qua, Argentina và Colombia ghi nhận số ca nhiễm từ 11.000 đến 13.000 ca nhiễm mới. Tổng số ca mắc COVID-19 tại Nam Mỹ đã lên tới 9,58 triệu ca, trong đó riêng tại Brazil là 5,49 triệu ca.
Tại châu Phi, trong 24 giờ qua, châu lục này có thêm 10.810 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm lên 1,77 triệu ca, trong đó Nam Phi chiếm 721.000 ca. Maroc hiện đang là điểm nóng của dịch bệnh tại đây với 4.320 ca nhiễm mới được ghi nhận trong 24 giờ. Tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này đã lên tới 212.000 ca.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi John Nkengasong cảnh báo khu vực này cần chuẩn bị cho làn sóng lây nhiễm thứ hai của dịch COVID-19, trong bối cảnh số ca nhiễm tại châu Âu và một số nước châu Á tăng lên.
Ý kiến ()