EU đề xuất áp dụng bộ sạc chung cho tất cả điện thoại thông minh
Với bộ sạc chung cho tất cả điện thoại thông minh, người tiêu dùng châu Âu có thể tiết kiệm ít nhất 250 triệu euro mỗi năm và chất thải từ bộ sạc không sử dụng có thể giảm gần 1.000 tấn/năm.
Sắp tới đây, người dùng điện thoại sẽ không còn phải luống cuống đi tìm sạc pin cho điện thoại của mình nữa và ngăn kéo của họ cũng sẽ không bị lộn xộn do những bộ sạc không tương thích.
Để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, Ủy ban châu Âu (EC) muốn áp dụng bộ sạc chung cho điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử khác.
Đề xuất này làm dấy lên sự phản đối của công ty công nghệ Apple (Mỹ).
Quy định do EC đề xuất ngày 23/9 sẽ phải được Nghị viện châu Âu (EP) và các quốc gia thành viên thông qua, nhằm mục đích hài hòa giữa các cổng sạc cho điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy ảnh, tai nghe, loa và máy chơi trò chơi điện tử di động…
Điều này đang có thể ảnh hưởng tiêu cực tới iPhone.
Dự án được EC đưa ra từ năm 2009 và được đưa vào nghị quyết của EP hồi tháng 1/2020, nhưng cho đến nay vẫn vấp phải sự miễn cưỡng mạnh mẽ từ ngành công nghiệp, mặc dù số lượng các loại bộ sạc hiện có đã giảm đi rất nhiều trong những năm qua.
Từ khoảng 30 loại giắc cắm vào năm 2009, đến nay chỉ còn 3 loại : đầu nối Micro USB, từ lâu đã được trang bị cho phần lớn điện thoại, USB-C, một kết nối gần đây hơn và Lightning được Apple sử dụng.
EU hiện muốn áp dụng cổng USB-C trên tất cả thiết bị điện tử, điều này sẽ cho phép sử dụng bất kỳ bộ sạc nào, trong khi sự hài hòa của các công nghệ sạc nhanh sẽ đảm bảo tốc độ sạc như nhau – ngăn không cho sạc bị đơ khi sử dụng với một thiết bị của một thương hiệu khác.
Về mặt logic, Brussels có ý định tách rời việc bán thiết bị điện tử và bộ sạc. Như vậy, Ủy viên EC phụ trách cạnh tranh, Margrethe Vestager cho rằng “sẽ là một chiến thắng cho người tiêu dùng và môi trường khi người châu Âu chán ngấy những bộ sạc không tương thích chất đống trong ngăn kéo của họ.”
“Chúng tôi đã cho ngành công nghiệp nhiều thời gian để tìm ra giải pháp. Đã đến lúc phải quy định bằng luật,” Ủy viên EC nhấn mạnh.
Trong khi đó, Apple phản đối khi tuyên bố công nghệ Lightning của họ cung cấp năng lượng cho hơn 1 tỷ thiết bị trên toàn thế giới. Theo Apple, quy định này sẽ ngăn chặn thay vì khuyến khích sự đổi mới và gây hại cho người tiêu dùng ở châu Âu và trên thế giới.
Nhà sản xuất iPhone năm ngoái ước tính nếu áp dụng luật của EC sẽ tạo ra “một khối lượng rác thải điện tử chưa từng có” do một số bộ sạc đang lưu hành bị lỗi thời. Họ cho rằng quá trình chuyển đổi kéo dài 24 tháng do Brussels đề xuất là vội vàng và làm biến động các kênh tái chế hiện tại của hãng.
Về phần mình, EC tính toán người tiêu dùng châu Âu khi phải chi khoảng 2,4 tỷ euro (2,8 tỷ USD) mỗi năm chỉ cho riêng việc mua bộ sạc, thì nay có thể tiết kiệm ít nhất 250 triệu euro và chất thải từ bộ sạc không sử dụng, ước tính khoảng 11.000 tấn mỗi năm, có thể giảm gần 1.000 tấn.
Brussels đảm bảo rằng năng lực đổi mới của các công ty được duy trì – đặc biệt là trong các kỹ thuật sạc không dây.
Hiệp hội ANEC, tổ chức bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng về các vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn công nghệ, đã hoan nghênh dự thảo, đồng thời lấy làm tiếc rằng các hệ thống sạc không dây, thực tế lại không được quan tâm.
Bộ sạc đa năng sẽ là bằng chứng cho thấy EU có thể mang lại lợi ích cho tất cả mọi người theo cách cụ thể./.
Ý kiến ()