EU cam kết đẩy nhanh chia sẻ vaccine ngừa Covid-19
Công tác ứng phó với đại dịch Covid-19, tình hình Trung Đông hay các mối quan hệ song phương là những vấn đề chính trong chương trình nghị sự tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) lần này. Đặc biệt, EU cam kết thúc đẩy chia sẻ vaccine ngừa Covid-19.
Reuters đưa tin, các nhà lãnh đạo 27 quốc gia thành viên EU đã nhóm họp tại thủ đô Brussels (Bỉ) trong ngày 24 và 25-5. Đây là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên trong năm nay mà lãnh đạo EU gặp mặt trực tiếp kể từ tháng 12 năm ngoái do những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 tại “lục địa già”.
Trong bối cảnh đại dịch, lãnh đạo EU bày tỏ lạc quan về tình hình dịch bệnh đang có dấu hiệu cải thiện, với việc các nước đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng bệnh trên diện rộng. Đồng thời, EU kêu gọi đảm bảo quyền tiếp cận vaccine ngừa Covid-19 công bằng, cam kết đẩy nhanh việc chia sẻ vaccine với mục tiêu quyên góp ít nhất 100 triệu liều vaccine cho các nước nghèo hơn vào cuối năm 2021. Đáng chú ý, Malta vừa cho biết đã đạt mục tiêu tiêm ít nhất 1 liều vaccine cho 70% người trưởng thành và tuyên bố trở thành quốc gia đầu tiên trong EU đạt miễn dịch cộng đồng. Mặc dù vậy, trong bối cảnh “hộ chiếu vaccine” của khối sẽ có hiệu lực từ đầu tháng 7 tới đây, giới chức các nước vẫn nhất trí cần tiếp tục những biện pháp hạn chế cho đến mùa hè này.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (trái) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel phát biểu tại họp báo sau ngày họp đầu tiên của hội nghị. Ảnh: Getty Images |
Về những diễn biến gần đây ở Trung Đông, EU khẳng định ủng hộ việc tìm kiếm một giải pháp lâu dài dựa trên giải pháp hai nhà nước, nhấn mạnh rằng những nỗ lực của chính quyền Israel nhằm trục xuất người Palestine ra khỏi nơi ở của họ tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, bao gồm cả Jerusalem, là không phù hợp với luật pháp quốc tế. Trước đó, Đại diện cấp cao EU phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại Josep Borrell cũng khẳng định, ưu tiên và thông điệp của khối là cần chấm dứt bạo lực giữa Israel và Palestine, đồng thời phải nhường chỗ cho đối thoại.
Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo liên minh tập trung thảo luận về quan hệ với Nga, Anh và Belarus. Dù quan hệ song phương có chiều hướng xấu đi nhưng Nga vẫn là đối tác thương mại, đầu tư lớn của EU. Vì vậy, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã tái khẳng định cam kết với 5 nguyên tắc chi phối chính sách của EU đối với Nga đã thông qua vào năm 2016, quy định các nước thành viên phải tuân thủ khi tương tác với Moscow. Theo kết luận của hội nghị, ông Josep Borrell được giao chuẩn bị một báo cáo về quan hệ EU-Nga cho hội nghị tiếp theo diễn ra vào tháng 6 tới. Trong quan hệ với Anh, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen chia sẻ rằng căng thẳng giữa Brussels với London không phải là do vấn đề Bắc Ireland mà xuất phát từ chính việc Anh rời khỏi khối (hay còn gọi là Brexit). Trước đó, Nghị định thư Bắc Ireland là phần gây tranh cãi nhất trong thỏa thuận “ly hôn” giữa hai bên. “Những vấn đề song phương còn tồn tại hiện nay là kết quả của Brexit thay vì là vấn đề Bắc Ireland”, Chủ tịch EC nhận định. Liên quan đến việc Belarus yêu cầu một máy bay chở khách của hãng Ryanair (Ireland) phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay ở Minsk để kiểm tra an ninh, lãnh đạo các nước EU đã yêu cầu đóng cửa các sân bay của khối với tất cả các máy bay của Belarus, đồng thời yêu cầu các hãng hàng không châu Âu tránh bay qua không phận nước này. Ngoài ra, EU cũng cân nhắc các biện pháp trừng phạt nhằm vào các cá nhân liên quan đến chính quyền Belarus.
Có thể nói, trong bối cảnh vừa đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 vừa triển khai kế hoạch phục hồi kinh tế, EU vẫn phải đối mặt với một loạt vấn đề khác, qua đó đòi hỏi một cách tiếp cận chung của toàn khối để giải quyết.
Ý kiến ()