Ethiopia, Sudan và Ai Cập thúc đẩy giải quyết những bất đồng về dự án đập thủy điện Đại Phục Hưng
Các Bộ trưởng Tài nguyên Nước và Thuỷ lợi của Ethiopia, Sudan và Ai Cập ngày 18/10 đã thảo luận về các biện pháp nhằm giải quyết những bất đồng để tiếp tục các nghiên cứu đánh giá tác động của đập thủy điện Đại Phục Hưng của Ethiopia
Trước đó, ngày 17/10, Bộ trưởng Thủy lợi Ai Cập Mohamed Abdel-Aty (Mô-ha-mét Áp-đen A-ti), Bộ trưởng Tài nguyên Nước, Thuỷ lợi và Điện lực Sudan Muataz Musa (Mu-a-ta Mu-xa) và Bộ trưởng Nước, Thuỷ lợi và Điện Ethiopia Sileshi Bekele (Xi-lê-xi Bê-kê-lê) đã đến thăm công trường xây dựng đập thủy điện Đại Phục Hưng nằm trên nhánh sông Nile Xanh ở vùng Benishangul-Gumuz (Bê-ni-san-gun – Gu-mu) của Ethiopia, cách biên giới Ethiopia – Sudan khoảng 40 km. Trong cuộc họp ngày18/10 tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, 3 bộ trưởng đã bàn về cách giải quyết những bất đồng liên quan đến kỹ thuật của dự án đập thủy điện được coi là lớn nhất châu Phi này sau khi dự án trên được hoàn thành với tổng dung lượng hồ chứa là 74.000 triệu m3.
Bộ trưởng Nước, Thuỷ lợi và Điện Ethiopia Bekele khẳng định chuyến thị sát công trường xây dựng đập Đại Phục Hưng ngày 17/10 là một động lực cho các cuộc thảo luận tiếp theo, theo đó những khác biệt liên quan đến việc xây dựng đập có thể được giải quyết “nếu được các bên nhìn nhận đúng và không quan tâm tới các vấn đề chính trị cũng như những vấn đề khác”. Về phần mình, Bộ trưởng Thủy lợi Ai Cập Aty nói rằng Cairo “rất quan tâm đến sự chậm trễ của những nghiên cứu chung về đập Đại Phục Hưng được Nhóm các chuyên gia quốc tế (IPOE) khuyến cáo”.
Kể từ khi bắt đầu xây dựng đập Đại Phục Hưng, cả 3 quốc gia Ai Cập, Ethiopia và Sudan đã đồng ý cho phép IPOE đánh giá mức độ ảnh hưởng của dự án này nhằm xây dựng lòng tin giữa Ethiopia và hai nước vùng hạ lưu. Sau khi hoàn tất việc đánh giá dự án trên, IPOE đã đề xuất các nghiên cứu để làm đầy và vận hành hồ chứa của đập. Theo đề xuất của IPOE, 3 nước đã thuê 2 công ty của Pháp là Artelia và BRLi tiến hành 2 nghiên cứu đánh giá tác động của đập với chi phí 4,5 triệu euro vào tháng 9/2016. Tuy nhiên, tiến độ của những nghiên cứu này đã không được như mong đợi.
Bộ trưởng Thủy lợi Ai Cập Aty cho rằng “tình hình hiện nay rất nghiêm trọng” vì chưa thể thông qua được dự thảo báo cáo sơ bộ về nghiên cứu tác động của đập Đại Phục Hưng. Trong khí đó, theo Bộ trưởng Tài nguyên Nước, Thuỷ lợi và Điện lực Sudan Musa, “sông Nile nên là nền tảng của sự hợp tác và phát triển” giữa 3 nước và cần phải đạt được sự nhất trí đối với bản báo cáo trên. Theo Bộ Nước, Thuỷ lợi và Điện Ethiopia, việc xây dựng đập Đại Phục Hưng đã hoàn thành khoảng 60%./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()