Eo biển Hoóc-mút lại nổi sóng
Tình hình eo biển Hoóc-mút đang nóng lên bởi những diễn biến "đối đầu" trong quan hệ giữa Mỹ cùng các đồng minh phương Tây với I-ran. Trong lúc I-xra-en đòi đưa ra một "giới hạn đỏ" cho I-ran, Mỹ dẫn đầu 25 quốc gia chuẩn bị cho một cuộc tập trận quy mô lớn ở vùng Vịnh nhằm răn đe Tê-hê-ran. Tuy nhiên, I-ran cũng tỏ ra là một "đối thủ" cứng rắn khi nước này tuyên bố sẽ tiến hành các cuộc tập trận "đáp trả".Sau khi nhiều vòng đàm phán của nhóm P5 1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) với I-ran về vấn đề hạt nhân của Tê-hê-ran rơi vào bế tắc, I-xra-en đã hối thúc Mỹ đưa ra một "giới hạn đỏ" cho quốc gia Hồi giáo này. Tuy nhiên, Mỹ còn chưa tỏ rõ quan điểm về vấn đề này trong khi Nhà trắng đang thảo luận việc có cần định hình lại chiến lược thương thuyết về những "ranh giới rõ ràng" đối với I-ran hay không, bởi đưa ra ranh giới cụ thể đồng nghĩa với có thể châm ngòi một cuộc chiến chống I-ran. Trong lúc hoàn cảnh chưa...
Sau khi nhiều vòng đàm phán của nhóm P5 1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) với I-ran về vấn đề hạt nhân của Tê-hê-ran rơi vào bế tắc, I-xra-en đã hối thúc Mỹ đưa ra một “giới hạn đỏ” cho quốc gia Hồi giáo này. Tuy nhiên, Mỹ còn chưa tỏ rõ quan điểm về vấn đề này trong khi Nhà trắng đang thảo luận việc có cần định hình lại chiến lược thương thuyết về những “ranh giới rõ ràng” đối với I-ran hay không, bởi đưa ra ranh giới cụ thể đồng nghĩa với có thể châm ngòi một cuộc chiến chống I-ran. Trong lúc hoàn cảnh chưa chín muồi cho một cuộc tiến công, Mỹ vẫn để ngỏ mọi sự lựa chọn và dùng các biện pháp răn đe đối với I-ran. Oa-sinh-tơn liên tiếp tiến hành tập trận hải quân, thử nghiệm các hệ thống chống tên lửa mới tại vùng Vịnh cũng như kiểm soát chặt chẽ hơn nguồn thu từ dầu mỏ của I-ran. Mỹ dẫn đầu 25 quốc gia huy động các tàu sân bay đang chuẩn bị tổ chức cuộc tập trận dò mìn lớn nhất tại vùng Vịnh vào giữa tháng 9 này, nhằm ngăn chặn khả năng trả đũa của I-ran. Cuộc tập trận còn có hạng mục tiến công các tàu chiến đối phương, hệ thống tên lửa phòng không bờ biển và những trận địa pháo binh trong vùng lân cận eo biển Hoóc-mút nhằm ngăn chặn việc I-ran đóng cửa eo biển chiến lược này. Mỹ đã lắp đặt cho I-xra-en một hệ thống lá chắn tên lửa với ra-đa băng tần X cực mạnh tầm xa, nhằm vô hiệu hóa các quả tên lửa trả đũa từ I-ran. Oa-sinh-tơn cũng thảo luận với A-rập Xê-út về kế hoạch triển khai hệ thống lá chắn tên lửa ở vùng Vịnh, cũng như đang gấp rút hoàn thành hệ thống ra-đa mới tại Ca-ta để hình thành một lá chắn tên lửa hình cung rộng khắp khu vực nhằm chống các “mối đe dọa” từ I-ran.
Chương trình hạt nhân của Tê-hê-ran, vấn đề gai góc nhất gây căng thẳng quan hệ giữa I-ran và phương Tây, luôn được Mỹ và các đồng minh đưa ra để lấy cớ gây sức ép quốc gia Trung Đông này. Mặc dù I-ran luôn khẳng định chương trình hạt nhân của nước này phục vụ mục đích hòa bình, song phương Tây cáo buộc, Nhà máy điện Bô-sơ của I-ran là một phần trong nỗ lực nhằm phát triển vũ khí hạt nhân. Sự không nhượng bộ giữa các bên dẫn tới sự sụp đổ của các vòng đàm phán hạt nhân. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) mới đây còn đưa ra báo cáo với những thông tin “nhạy cảm” rằng, I-ran đang tiếp tục mở rộng chương trình hạt nhân tại cơ sở dưới lòng đất Pho-đo. IAEA hối thúc I-ran cho phép tiếp cận ngay căn cứ quân sự Pa-chin, nơi được cho là cơ sở hạt nhân của I-ran. Báo cáo của IAEA đã được truyền thông phương Tây sử dụng để tung tin và thổi phồng về khả năng hạt nhân của nước này. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích Mỹ cũng thừa nhận, lượng u-ra-ni làm giàu 20% của I-ran đã giảm đáng kể và làm giàu ở mức 20% còn kém xa mức làm giàu 90% để có thể sản xuất vũ khí hạt nhân.
Sau khi ngừng nhập khẩu dầu mỏ từ I-ran từ ngày 1-7, Liên hiệp châu Âu (EU) đang sẵn sàng thảo luận những biện pháp trừng phạt mới trong vài tuần tới nhằm vào lĩnh vực tài chính, thương mại và dầu mỏ của I-ran. Phương Tây luôn thắt chặt các biện pháp trừng phạt Tê-hê-ran, song các “đòn” trừng phạt này chỉ càng khiến các cuộc đàm phán giữa hai bên “xôi hỏng bỏng không”.
Những biện pháp trừng phạt của phương Tây đã vấp phải phản ứng cứng rắn của I-ran. Quốc gia Hồi giáo này tuyên bố sẽ tăng sức đề kháng kinh tế để hạn chế những thiệt hại do các lệnh cấm vận gây ra. Trong khi đó, nhằm chứng tỏ “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, I-ran liên tục công bố các thành tựu công nghệ quốc phòng. Nước này tuyên bố sẽ trình làng loạt tên lửa hành trình mới Meshkat có tầm bắn 2.000 km, đồng thời tỏ ra “xem nhẹ” kế hoạch triển khai lá chắn tên lửa trong khu vực của Mỹ và cho rằng hệ thống phòng không này không đủ khả năng đối phó tên lửa của Tê-hê-ran. Trước đó, I-ran công bố phiên bản nâng cấp loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn đất đối đất Fateh-110. Trong khi đó, đáp trả những cuộc tập trận của phương Tây, I-ran tuyên bố dự định bắt đầu một cuộc tập trận lớn vào cuối tháng này để thử nghiệm các hệ thống phòng không với ưu tiên là bảo vệ các địa điểm hạt nhân.
Việc gần đây I-ran tăng cường ủng hộ Xy-ri và chủ động đưa ra đề xuất giải quyết cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng khiến phương Tây lo ngại về nguy cơ mở rộng ảnh hưởng của I-ran ở khu vực địa chiến lược này. Theo các nhà phân tích, phương Tây luôn lấy vấn đề hạt nhân của I-ran để đưa ra mặc cả và các động thái gây sức ép Tê-hê-ran thực chất là muốn giảm bớt sự ảnh hưởng của nước này ở Trung Đông, đồng thời gia tăng ảnh hưởng của phương Tây tại khu vực vùng Vịnh giàu năng lượng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()