EEMC - Nhà chế tạo thiết bị điện hàng đầu Việt Nam
Đoàn đại biểu Thành ủy Hà Nội làm việc với Đảng bộ công ty. Thành lập ngày 26-3-1971, tiền thân là Nhà máy Chế tạo Thiết bị điện Đông Anh, trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, từ một đơn vị chuyên sửa chữa thiết bị điện chuyển sang vừa sửa chữa vừa chế tạo các máy biến áp (MBA), cầu dao, tủ bảng điện và phụ kiện điện có cấp điện áp đến 35 kV, hiện nay Công ty cổ phần Chế tạo Thiết bị điện Đông Anh đã vươn lên làm chủ về thiết kế, công nghệ chế tạo và sửa chữa các MBA có cấp điện áp đến 500 kV, công suất đến 450 nghìn kVA, trở thành đơn vị cơ khí chế tạo thiết bị điện hàng đầu Việt Nam, đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành điện và nền kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.Đi đầu trong lĩnh vực chế tạo máy biến ápTừ năm 1986 đến năm 1989 Công ty đã chuyển hướng sản xuất từ sửa chữa sang thiết kế, chế tạo các sản phẩm thiết bị điện có cấp điện áp đến 35...
|
Thành lập ngày 26-3-1971, tiền thân là Nhà máy Chế tạo Thiết bị điện Đông Anh, trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, từ một đơn vị chuyên sửa chữa thiết bị điện chuyển sang vừa sửa chữa vừa chế tạo các máy biến áp (MBA), cầu dao, tủ bảng điện và phụ kiện điện có cấp điện áp đến 35 kV, hiện nay Công ty cổ phần Chế tạo Thiết bị điện Đông Anh đã vươn lên làm chủ về thiết kế, công nghệ chế tạo và sửa chữa các MBA có cấp điện áp đến 500 kV, công suất đến 450 nghìn kVA, trở thành đơn vị cơ khí chế tạo thiết bị điện hàng đầu Việt Nam, đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành điện và nền kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.
Đi đầu trong lĩnh vực chế tạo máy biến áp
Từ năm 1986 đến năm 1989 Công ty đã chuyển hướng sản xuất từ sửa chữa sang thiết kế, chế tạo các sản phẩm thiết bị điện có cấp điện áp đến 35 kV. Việc sửa chữa, đại tu các MBA trong thời gian dài với đa dạng chủng loại đã cho công ty nhiều kinh nghiệm quý để mạnh dạn đề ra định hướng chiến lược và quyết tâm chế tạo các MBA có cấp điện áp cao từ 110 kV trở lên. Cuối năm 1992, Công ty bắt tay vào thực hiện việc nghiên cứu, thiết kế, chế tạo MBA 25 nghìn kVA-110kV.
Sau khi sản xuất các MBA 110kV đi vào ổn định, công ty tiếp tục hoàn thiện và đầu tư nâng cấp nhà xưởng, thiết bị, công nghệ để chế tạo các MBA 220 kV và 500 kV. Và chiếc MBA 220 kV – 125 nghìn kVA đầu tiên đã được chế tạo thành công và lắp đặt, vận hành an toàn tại Trạm biến áp 220 kV Sóc Sơn (Hà Nội) vào ngày 30-12-2003. Kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt, người thiết kế chính MBA 110 kV – 25 nghìn kVA đầu tiên này đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Tiếp đó, Công ty đã thiết kế, chế tạo thành công MBA 220 kV – 250 nghìn kVA được lắp đặt, vận hành an toàn tháng 12-2007 tại Trạm biến áp 220 kV Thái Nguyên. Đây là MBA 220 kV lớn nhất được sản xuất tại Việt Nam. Sự kiện này đã khiến các hãng sản xuất MBA lớn ở nước ngoài phải nhìn nhận lại thị trường Việt Nam.
Với những thành tích đã đạt được trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo các MBA cấp điện áp cao đến 220 kV và sửa chữa MBA cấp điện áp đến 500 kV, công ty đã có thêm niềm tin và quyết tâm thực hiện nhiệm vụ chế tạo MBA 500 kV.
Những nỗ lực của Công ty đã được đền đáp, Tổ máy biến áp 500 kV công suất 450 nghìn kVA đầu tiên đã hoàn thành, được gắn biển Chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội và sẽ được lắp đặt tại Trạm biến áp 500 kV Nho Quan (Ninh Bình) vào tháng 9-2011.
Việc công ty chế tạo thành công MBA 500 kV có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khẳng định được năng lực và sự trưởng thành vượt bậc của Công ty, của ngành cơ khí điện Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất thiết bị điện (hiện tại ở Đông-Nam Á chưa có nước nào sản xuất được MBA 500 kV, trên thế giới cũng chỉ có rất ít nước có nền công nghiệp phát triển mới sản xuất được).
Sản xuất ổn định, chăm lo đời sống người lao động
Mười năm qua EEMC liên tục hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội; việc làm và thu nhập của người lao động, đặc biệt các chỉ tiêu đều đạt năm sau cao hơn năm trước. Công ty là đơn vị luôn bảo toàn và phát triển được vốn, tốc độ tăng trưởng luôn đạt từ 10 đến 12%/năm, giá trị sản xuất công nghiệp hằng năm tăng từ 15 đến 25%/năm, năng suất lao động tăng trung bình từ 20 đến 30%/năm, doanh thu tăng từ 15 đến 25%/năm.
Nhờ tăng trưởng ổn định trong sản xuất, kinh doanh, Công ty đã bảo đảm đủ việc làm cho hơn 800 lao động trong Công ty. Đời sống vật chất, tinh thần của người lao động luôn được nâng cao, thu nhập bình quân năm 2010 đạt tám triệu đồng/người/tháng. Ngoài việc chăm lo đời sống cho người lao động, công ty còn coi việc đào tạo và đào tạo lại lực lượng lao động là khâu then chốt thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, EEMC coi đây là nhiệm vụ vừa trọng tâm vừa cấp bách. Đổi mới công tác đào tạo theo hướng gắn nội dung đào tạo với chức danh quản lý, sản xuất cụ thể của người lao động, gắn đào tạo với thiết bị được giao vận hành, không đào tạo lý thuyết chung chung. Mặt khác, đối với lực lượng có khả năng thì tạo điều kiện thuận lợi để họ học hàm thụ tại các trường đại học, cử đi nước ngoài tham quan, học tập, nhưng luôn ngăn chặn tình trạng chạy theo bằng cấp. Với phương châm vừa phổ cập vừa nâng cao chất lượng, 10 năm qua Công ty đã gửi gần 350 lượt người đi học, hầu hết sau khi học xong đều đạt trình độ bậc đại học. Lực lượng công nhân do làm tốt khâu bồi dưỡng, nâng bậc hằng năm nên chất lượng cũng được nâng lên rõ rệt.
Trong quá trình chuyển đổi sang cổ phần hóa, Công ty đã thực hiện nghiêm túc các văn bản, hướng dẫn, quy định của Nhà nước và chỉ đạo của Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Công ty đã bố trí, tổ chức lại bộ máy hoạt động phù hợp với mô hình cổ phần hóa. Lựa chọn những cán bộ lãnh đạo, cán bộ chủ chốt, cán bộ quản lý có trình độ, năng lực và có phẩm chất đạo đức để đưa vào bộ máy quản lý. Những chuyên gia trong các lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ và những kỹ sư có trình độ, năng lực công tác đều được lựa chọn, bố trí, sắp xếp vào những vị trí phù hợp và có chế độ đãi ngộ, tiền lương hợp lý. Đội ngũ công nhân lao động được phân loại và bố trí công việc phù hợp tay nghề, khả năng, chuyên môn để thực hiện và đáp ứng được những yêu cầu mới trong sản xuất. Số lao động giảm biên chế được giải quyết thỏa đáng theo đúng luật pháp và nguyện vọng cá nhân. Toàn bộ người lao động đều có cổ phần trong công ty. Quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của từng cá nhân đều gắn liền với sự phát triển chung của doanh nghiệp. Người lao động luôn yên tâm, gắn bó và cùng có trách nhiệm trong việc xây dựng công ty phát triển bền vững.
Phát triển toàn diện
Đảng bộ Công ty cổ phần Chế tạo Thiết bị điện Đông Anh là Đảng bộ trực thuộc Đảng ủy Khối Công nghiệp Hà Nội, hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm. Đảng bộ công ty có 244 đảng viên sinh hoạt tại 20 chi bộ trực thuộc. Đảng bộ luôn quan tâm, chú trọng công tác kết nạp đảng viên mới. Cán bộ lãnh đạo, quản lý của công ty từ tổ trưởng sản xuất trở lên đều là đảng viên.
Hằng năm, số đảng viên sinh hoạt tại Đảng bộ công ty có tới 95% được công nhận là đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ, 15% số đảng viên đạt danh hiệu đảng viên xuất sắc và có 40% số bí thư chi bộ đạt danh hiệu bí thư chi bộ giỏi.
Công ty có 17 công đoàn bộ phận, ba công đoàn cơ sở thành viên, 57 tổ công đoàn. Tổ chức Công đoàn đã thật sự là một cộng sự đắc lực của Công ty trong việc tổ chức các phong trào thi đua lao động sản xuất. Nhiều phong trào thi đua do Công đoàn cơ sở phát động đã được đông đảo công nhân, viên chức lao động tích cực tham gia hưởng ứng đã góp phần to lớn vào việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế, chính trị và xã hội của công ty. Công đoàn thật sự là cầu nối giữa lãnh đạo công ty với tập thể cán bộ, công nhân viên chức lao động, tích cực tham gia xây dựng thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế của công ty. Các phong trào thi đua, văn hóa, văn nghệ, thể thao… được thường xuyên tổ chức đã tạo ra không khí phấn khởi trong công nhân viên chức lao động.
Với vai trò là tổ chức xã hội chính trị của thanh niên, tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh công ty có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của Công ty. Công ty hiện có 224 đoàn viên, trong đó có tới 45% số đoàn viên có trình độ đại học và cao đẳng hiện đang sinh hoạt tại 14 chi đoàn, số chi đoàn đoạt xuất sắc chiếm 55%, đạt vững mạnh chiếm 35%, không có chi đoàn trung bình yếu kém.
Trong 10 năm qua, Công ty đã trích quỹ phúc lợi và vận động cán bộ công nhân viên lao động tích cực tham gia các phong trào ủng hộ cứu trợ đồng bào bị thiên tai bão lụt, ủng hộ các huyện nghèo miền núi, ủng hộ xây dựng mái ấm công đoàn. Mặc dù còn gặp khó khăn nhưng với tinh thần lá lành đùm lá rách, trong nhiều năm qua Công ty đã tích cực tham gia làm công tác từ thiện xã hội và thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa do Đảng và Nhà nước phát động, góp phần xoa dịu những đau thương, mất mát của đồng bào nghèo trên nhiều miền của đất nước.
Có thể nói, những năm qua EEMC là đơn vị có nhiều thành tích xuất sắc, đóng góp cho sự tăng trưởng phát triển của ngành điện, cho địa phương và cho sự phát triển của nền kinh tế trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước. Công ty đã vinh dự được Đảng và Nhà nước, Bộ chủ quản, ngành và các tổ chức đảng, đoàn thể của trung ương và địa phương trao tặng nhiều phần thưởng thi đua xứng đáng. Và cũng chính vì thế, đã khích lệ tập thể lãnh đạo, công nhân, viên chức lao động toàn Công ty vươn lên có thêm những kết quả tốt đẹp hơn.
Các danh hiệu thi đua được khen thưởng
I – Đối với tập thể Công ty
– Huân chương Chiến công hạng ba năm 1996.
– Huân chương Lao động hạng nhất năm 2009.
– Cờ thi đua của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam năm 2000.
– Cờ thi đua của Công đoàn Ngành điện năm 2001.
– Cờ thi đua của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam năm 2002.
– Cờ thi đua của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2003.
– Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2007.
– Cờ thi đua của UBND thành phố Hà Nội năm 2004, 2008, 2009.
– Cờ, bằng khen của Bộ Chỉ huy Quân sự TP Hà Nội, Quân khu Thủ đô về công tác dân quân tự vệ từ năm 2005 – 2010.
– Cờ, bằng khen của UBND thành phố Hà Nội về Phong trào Bảo vệ An ninh Tổ quốc từ năm 2005 – 2010.
– Cờ của BCH Quân sự TP Hà Nội tặng Tiểu đoàn Tự vệ công ty dẫn đầu Khối tự vệ huyện Đông Anh 2005 – 2010.
– Cờ của Sở TDTT thành phố Hà Nội từ năm 2005 – 2010.
– Cờ Thi đua của Công đoàn Điện lực Việt Nam năm 2005 – 2010.
– Cờ “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua” của Chính phủ năm 2010.
II – Đối với cá nhân
– Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới – kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt.
– Huân chương Lao động hạng ba – Chủ tịch HĐQT Phạm Ngọc Cõi.
– Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ – Tổng Giám đốc Trần Văn Quang.
– Năm bằng khen của Bộ Công thương cho năm cá nhân xuất sắc.
– 32 Chiến sĩ Thi đua ngành điện cho các cá nhân đã có sáng kiến và có nhiều thành tích trong các phong trào thi đua lao động sản xuất.
Theo Nhandan
Ý kiến ()