ECB kiên trì chống lạm phát ngay cả khi kinh tế Eurozone yếu đi
Không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích, tại cuộc họp ngày 15/6 vừa qua, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, lên mức 3,5% -mức cao nhất trong 22 năm và là lần thứ 8 liên tiếp nâng lãi suất. Việc ECB phát đi tín hiệu tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm thể hiện quyết tâm của ngân hàng này trong cuộc chiến chống lạm phát.
Ảnh minh họa. (Nguồn: businesslive.co.za) |
Như vậy trong vòng một năm vừa qua, ECB đã nâng lãi suất cho vay tổng cộng thêm 4 điểm phần trăm, tốc độ tăng nhanh kỷ lục. Thông báo của ECB nêu rõ, các quyết định trong tương lai của Hội đồng điều hành sẽ bảo đảm rằng lãi suất chỉ đạo của ECB được tăng đến các mức đủ để kiềm chế lạm phát trung hạn về đúng mục tiêu 2%.
Các nhà kinh tế dự báo, ECB sẽ có đợt tăng lãi suất tương đương vào tháng 7 tới, trước khi tạm dừng tăng lãi suất trong thời gian còn lại của năm 2023. Theo Chủ tịch ECB Christine Lagarde, trừ khi có sự thay đổi quan trọng trong nhận định cơ bản của ECB, ngân hàng này sẽ tiếp tục tăng lãi suất tại cuộc họp tiếp theo vào tháng 7 tới.
Ðộng thái nêu trên được đưa ra trong bối cảnh tăng trưởng ở cả 20 quốc gia Khu vực đồng euro (Eurozone) đang đình trệ và lạm phát đã giảm tốc nhờ giá năng lượng giảm và lãi suất tăng mạnh. Với mức 6,1% hiện nay, lạm phát trong Eurozone đã thấp hơn nhiều so với mức hai chữ số vào thời điểm mùa thu năm ngoái, song vẫn còn quá cao so với mục tiêu 2% mà ECB muốn duy trì. Trong khi đó, mức tăng giá cả – không gồm thực phẩm và năng lượng – chỉ mới bắt đầu chậm lại.
Dự báo từ nay tới cuối năm, kinh tế suy giảm sẽ làm giảm nhanh tốc độ tăng giá. Tuy nhiên, thị trường lao động vẫn đang siết chặt, mức tăng trưởng lương cơ bản nhanh và sức ép giá cả, nhất là ở lĩnh vực dịch vụ, dường như vẫn rất cao khiến ECB phải tiếp tục lộ trình siết chặt tiền tệ. ECB đã nâng dự báo lạm phát và cảnh báo mức tăng giá tiêu dùng sẽ duy trì ở mức rất cao trong thời gian rất dài. Ðồng thời, các chỉ số về áp lực lạm phát cơ bản ở Eurozone hiện vẫn ở mức cao cho thấy nhiều khả năng ngân hàng này sẽ phải tiếp tục tăng lãi suất.
Tháng 4 vừa qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo rằng, các lỗ hổng hệ thống tài chính tiềm ẩn có thể bùng phát thành cuộc khủng hoảng mới và làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay, khiến dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2023 của tổ chức này thấp hơn. IMF dự báo mức tăng trưởng GDP toàn cầu thực tế là 2,8% vào năm 2023 và 3% vào năm 2024, tức thấp hơn 0,1% so với mức dự báo đưa ra vào tháng 1 cho mỗi năm.
Cảnh báo về những thách thức trong trung hạn đối với nền kinh tế toàn cầu, IMF đã kêu gọi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và các ngân hàng trung ương toàn cầu khác tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ và thận trọng chống lạm phát.
Theo Người phát ngôn của IMF, đà lạm phát đã chậm lại ở Mỹ nhưng vẫn là mối lo ngại cấp bách. Nếu lạm phát dai dẳng hơn dự kiến, FED có thể cần phải tăng lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn. FED cần duy trì chính sách tiền tệ để bảo đảm lạm phát giảm bền vững và kỳ vọng lạm phát vẫn ổn định.
Trong khi đó, FED đã chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất với quyết định giữ nguyên lãi suất đưa ra ngày 14/6. Ðây được cho là dấu hiện rõ rệt khiến các nhà đầu tư toàn cầu cho rằng chu kỳ siết chặt tiền tệ ở các nền kinh tế phát triển chuẩn bị kết thúc, cho dù Mỹ vẫn có thể thực hiện một vài đợt tăng lãi suất nữa.
ECB tiếp tục tăng lãi suất nhằm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát ngay cả khi kinh tế Eurozone yếu đi. Theo bà Lagarde, mặc dù một vài chỉ số có dấu hiệu cải thiện, nhưng không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy lạm phát cơ bản đã lên đến đỉnh điểm và Ngân hàng Trung ương châu Âu chưa thể dừng cuộc chiến chống lạm phát.
Nguồn:https://nhandan.vn/ecb-kien-tri-chong-lam-phat-ngay-ca-khi-kinh-te-eurozone-yeu-di-post758107.html
Ý kiến ()