ECB cảnh báo về "tác dụng phụ" của chính sách tiền tệ siêu lỏng
Trong thông báo đăng tải trên trang web chính thức, ECB cho biết một số thành viên của ngân hàng này cho rằng cần chú ý đến tác dụng phụ có thể của các biện pháp chính sách tiền tệ hiện tại.
Tại cuộc họp tháng 12/2019, các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã nhấn mạnh những “tác dụng phụ” tiềm tàng của chính sách tiền tệ siêu lỏng .
Trong thông báo đăng tải trên trang web chính thức, ECB cho biết một số thành viên của ngân hàng này cho rằng cần chú ý đến tác dụng phụ có thể của các biện pháp chính sách tiền tệ hiện tại.
Hồi tháng 9/2019, Hội đồng điều hành ECB đã khởi động lại chương trình nới lỏng định lượng trị giá 2.600 tỷ euro (2.900 tỷ USD), với việc mua lượng trái phiếu trị giá 20 tỷ euro/tháng và hạ lãi suất tiền gửi xuống còn -0,5%.
Những biện pháp trên nằm trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đưa lạm phát về mục tiêu ngay sát 2%. Tại cuộc họp vào tháng 12/2019, hầu hết các thành viên ECB đều nhất trí rằng lập trường hiện nay của ngân hàng này là “hoàn toàn phù hợp” và cung cấp “hỗ trợ đáng kể cho tăng trưởng và lạm phát.”
Tuy nhiên, các biện pháp nới lỏng tiền tệ có thể tác động đến các thị trường như chứng khoán và bất động sản. Thêm vào đó, mức lãi suất âm cũng có thể thay đổi hành vi tiêu dùng và tiết kiệm của các hộ gia đình.
Tuần này, ngân hàng Commerzbank của Đức đã cảnh báo về rủi ro bong bóng bất động sản như từng xảy ra trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Hồi đầu tháng 12/2019, tân Chủ tịch ECB Christine Lagarde tuyên bố định chế này sẽ sớm tiến hành đánh giá lại chiến lược lần đầu tiên kể từ năm 2003.
Chiến lược gia Frederik Ducrozet từ Pictet Wealth Management nhận định việc đánh giá lại chiến lược của ECB sẽ là “một cơ hội lý tưởng để bà Christine Lagarde xem xét các biện pháp đối phó khủng hoảng bất thường được áp dụng trong những năm qua”./.
Ý kiến ()